Vấn đề mà Bitcoin đang đối mặt không chỉ là giá trị giảm. Trong những tuần gần đây, đồng tiền mã hóa lớn nhất chỉ giao dịch trong khoảng 45.000-50.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi tháng 11 là gần 69.000 USD. Lý do phía sau điều này là khối lượng giao dịch cạn kiệt, số vị thế hợp đồng tương lai suy giảm và số địa chỉ hoạt động chững lại.

Bitcoin đã giảm khoảng 1/3 từ mức đỉnh 69.000 USD lập tháng 11.
Kết hợp lại với nhau, dữ liệu cho thấy tâm lý đầu cơ đang suy giảm sau khi Bitcoin đạt đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái. Người mua theo nhịp giảm – thế lực đáng tin cậy trên thị trường tiền số – vẫn chưa trở lại một cách đáng kể ngay cả khi Bitcoin đã giảm 1/3 từ đỉnh. Trong khi đó, sau khi các vị thế sử dụng đòn bẩy trị giá hàng tỷ USD bị loại bỏ trong đợt sụt giảm chớp nhoáng vào tháng trước, các nhà đầu tư mới vẫn chưa lấp đầy khoảng trống.
“Có rất nhiều đòn bẩy trong hệ thống vào tháng 5 và sau đó là đầu tháng 11”, Jim Greco, giám đốc điều hành tại Radkl, một công ty kinh doanh tiền mã hóa cho biết. “Có thể có rất nhiều người đã bị loại bỏ khỏi thị trường và họ cần được thay thế bằng nguồn vốn mới”.
Khối lượng cạn kiệt
Lượng giao dịch Bitcoin giảm dần khi thị trường nguội đi. Sau khi có xu hướng giảm trong nhiều tháng, khối lượng giao dịch trên các sàn đạt mức chỉ 4,8 tỷ USD vào ngày 4/1, theo dữ liệu từ Kaiko do Messari tổng hợp. Con số này giảm so với mức 13,1 tỷ USD một năm trước đó và thấp hơn nhiều so với mức trung bình một năm gần đây là khoảng 9,2 tỷ USD.

Khối lượng giao dich tiền mã hóa trên các sàn. Nguồn: Kaiko, Messari, Bloomberg.
Khối lượng không vượt qua mức 10 tỷ USD kể từ ngày 4/12, khi giá Bitcoin giảm hơn 20% trong vài phút. Theo dữ liệu từ Coinglass.com, đợt sụt giảm chớp nhoáng này khiến số vị thế cả mua và bán trị giá 2,4 tỷ USD bị thanh lý.
Hợp đồng tương lai suy giảm
Thị trường hợp đồng tương lai cũng tương tự. Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 17,4 tỷ USD vào cuối tháng 10, giá trị các vị thế mở đối với hợp đồng tương lai Bitcoin trên sàn Chicago Mercantile Exchange hiện là khoảng 10,6 tỷ USD – giảm 39%.

Tổng giá trị các vị thế mở đối với hợp đồng tương lai Bitcoin. Nguồn: Chicago Mercantile Exchange, Bloomberg.
Thúc đẩy sự tăng vọt trước đó là kỳ vọng với quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin đầu tiên của Mỹ, ra mắt vào giữa tháng 10 và là một trong những quỹ được giao dịch nhiều nhất. Tuy nhiên, sự quan tâm nhanh chóng suy giảm. Sau khi thu hút hơn 1 tỷ USD chỉ trong 2 ngày, tài sản được quản lý trong quỹ ETF ProShares Bitcoin Strategy hiện chỉ ở mức 1,2 tỷ USD.
Số địa chỉ chững lại
Tốc độ tăng trưởng số các địa chỉ hoạt động – một thước đo hoạt động giao dịch – cũng chững lại. Con số này hiện tại là khoảng 971.000, giảm so với 1,2 triệu một năm trước, theo dữ liệu của CoinMetrics do Messari tổng hợp.

Số địa chỉ Bitcoin hoạt động. Nguồn: CoinMetrics, Messari, Bloomberg.
Điều đó có thể tạo tiền đề cho một đợt siết chặt thanh khoản ngắn hạn, tương tự như vụ sụt giảm chớp nhoáng vào tháng 12, theo chuyên gia tiền mã hóa Aya Kantorovich.
“Càng có ít địa chỉ hoạt động có nghĩa là càng có nhiều tài sản được lưu trữ trong ví lạnh. Càng ít Bitcoin giao dịch, biến động càng mạnh ở các sàn khi thanh khoản giảm xuống”, Kantorovich nói. “Tôi nghĩ rằng có thể sẽ có đợt sụt giảm chớp nhoáng để giảm đòn bẩy ở các vị thế mở trên thị trường, tương tự như những gì chúng ta đã thấy hồi tháng 12”.