VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Đề xuất phạt đến 15 năm tù người bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Đề xuất phạt đến 15 năm tù người bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

09:43 - 09/04/2025

Thực trạng hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm suy giảm niềm tin vào thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Mới đây, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất phạt 10-15 năm tù với người sản xuất, buôn bán hàng giả sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 12.500 tài khoản theo dõi.

Theo nguồn tin Báo Dân trí, trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt và một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất và buôn bán hàng giả.

Theo Điều 192 của dự thảo, những người sản xuất hoặc buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng (hiện tại là 100 triệu đến 1 tỷ đồng) nếu gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác từ 31% đến 60%; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng (gấp đôi so với quy định hiện hành); hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (cũng gấp đôi so với hiện hành).

Đặc biệt, trong khung hình phạt này, Bộ Công an đề xuất thêm tình tiết mới là việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử với từ 500 đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi.

Nếu sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi để sản xuất hoặc buôn bán hàng giả, mức phạt sẽ là từ 5 đến 10 năm tù. Trường hợp có từ 12.500 tài khoản theo dõi, Bộ Công an đề xuất mức phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Trong Điều 193, Bộ Công an cũng đề xuất rằng tội sản xuất và buôn bán hàng giả liên quan đến lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt từ 2 đến 5 năm tù (như quy định hiện hành). Tuy nhiên, ở khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù, Bộ Công an đề xuất tình tiết tăng nặng là hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.

Đề xuất phạt đến 15 năm tù người bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, với kết quả này, Việt Nam vẫn thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cũng trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 3.124 vụ vi phạm, tăng 266% so với năm 2023. Tổng Cục quản lý thị trường đã chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra và xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 48 tỷ đồng, tăng 220% so với năm trước. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 34 tỷ đồng, tăng 440% so với năm 2023. Các đơn vị kiểm tra thương mại điện tử cho thấy hiệu quả cao, bao gồm các thành phố như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, cùng nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tiền Giang.

Chưa kể đến, trong bối cảnh các KOL, người nổi tiếng trở thành “chiến thần livestream”, họ làm chủ các sàn thương mại điện tử như hiện nay, việc kiểm soát chất lượng hàng hoá trên các sàn này là một bài toán khó. Trong năm 2024, một “chiến thần livestream” bị cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng và phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, sau đó, “chiến thần” này vẫn tiếp tục livestream thường xuyên trên các chợ online. Hay như vụ việc Kẹo rau củ Kera khiến Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và 3 người khác bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam khiến dư luận dậy sóng mới đây.

Nhìn chung, khi thương mại điện tử càng phát triển, việc kiểm soát chất lượng hàng hoá sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có các chế tài xử phạt phù hợp với từng trường hợp để tạo ra một môi trường bán hàng online trong sạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

https://dantri.com.vn/phap-luat/de-xuat-phat-den-15-nam-tu-nguoi-ban-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-20250408232158576.htm