VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Đề xuất sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt

Đề xuất sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt

16:51 - 09/06/2022

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa vào hàng hóa đặc biệt cần được thẩm định giá, trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa vào hàng hóa đặc biệt cần được thẩm định giá, trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt.

Đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá -0

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận về vấn đề giá sách giáo khoa tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/6.

Vấn đề giá sách giáo khoa một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính sáng 8/6.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm thẩm định giá của Bộ Tài chính với sách giáo khoa, trong bối cảnh giá sách giáo khoa được quy định do doanh nghiệp xác định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua.

Cùng quan tâm về giá sách giáo khoa, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ, hơn 2 năm trước, Bộ Tài chính được yêu cầu tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Tài chính và khi nào Bộ hoàn thành kiến nghị này để người dân yên tâm vì còn 2 tháng nữa các em học sinh sẽ bước vào năm học mới.

Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Bộ trưởng cho rằng, hiện tại chúng ta chỉ có thể vận động các cơ quan chủ quản tiết giảm chi phí để giá sách giáo khoa hạ xuống và các em học sinh được thụ hưởng.

“Người mua sẽ lựa chọn những chỗ chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất trên tinh thần phải minh bạch, phải niêm yết công khai. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sách hay với những loại sản phẩm mà được mua bằng ngân sách nhà nước” – ông Phớc nhấn mạnh

Tranh luận lại câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự “ngạc nhiên” khi nghe được Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách Nhà nước.

“Tiền từ người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý. Như đại biểu Quỳnh Dao chia sẻ, đây là câu chuyện lâu rồi. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, phải được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt.” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Luật giá cũng cần được sửa đổi sao cho phục vụ nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tán thành quan điểm này. “Tôi thấy ý kiến này rất hay, rất đúng. Chỉ chờ Quốc hội quyết định thôi. Nếu kỳ họp này Quốc hội thống nhất đưa vào nghị quyết, chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Phải đưa sách giáo khoa vào Luật giá để đảm bảo tính hợp lý giá cả, giảm khó khăn cho người dân, để hỗ trợ người nghèo”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, cả Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao đổi, làm việc và cùng thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật giá sắp tới.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình thêm về việc phối hợp quản lý giá sách giáo khoa. Cho biết đây là vấn đề “liên quan đến mọi nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong thời gian nhanh nhất sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Quốc hội có được giải pháp ổn định lâu dài về giá sách giáo khoa.

“Bộ cũng đang tích cực biên soạn Thông tư mới về quy cách, quy chuẩn sách phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Điều này cũng sẽ tác động đến giá sách. Về yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, các khâu trung gian, chi phí phát hành và thực hiện cạnh tranh lành mạnh, chúng tôi cũng đã và đang làm, thực hiện với Nhà sách Giáo dục – doanh nghiệp do Bộ làm cơ quan chủ quản. Đối với các doanh nghiệp khác thì chỉ đạo như vậy có phần khó khăn hơn” – trưởng ngành giáo dục cho biết.