VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Dịch vụ ăn uống tăng giá theo xăng

Dịch vụ ăn uống tăng giá theo xăng

17:04 - 13/05/2022

Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cơ bản đang tăng giá trước sức ép chi phí tăng.

Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đang tăng mạnh theo giá xăng dầu, gây sức ép tăng giá các sản phẩm và dịch vụ ăn uống cơ bản.

Bà Lê Thị Hiền, chủ quán cơm Bé Hiền (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết sau vài tuần chật vật giữ giá quanh mức 25.000 đồng/đĩa cơm, bà đã buộc phải tăng thêm 4.000 – 5.000 đồng cho mỗi đĩa cơm do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Theo bà Hiền, cách đây gần 2 năm, giá dầu ăn chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/lít thì nay đã tăng lên 40.000 – 45.000 đồng/lít. Đường trắng, gia vị cũng tăng giá và gas tăng gấp đôi, hiện gần 500.000 đồng/bình 12kg.

“Chủ yếu bán cho sinh viên, công nhân nên cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa rồi, các mối lái cung cấp hàng cứ đổ lỗi cho giá xăng mà tăng giá bán. Giá cả nhiều khả năng sẽ còn biến động tăng nếu chi phí đầu vào, giá gas, xăng cứ ở mức cao như thế này”, bà Hiền cho biết.

Nhiều hàng quán ăn uống bình dân đã tăng giá bán trong những tuần gần đây.

Nhiều hàng quán ăn uống bình dân đã tăng giá bán trong những tuần gần đây.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Quảng, chủ một quán hủ tiếu trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), cho biết mỗi bát hủ tiếu bán ra tăng từ 5.000 – 7.000 đồng so với đầu năm. Hủ tiếu thịt có giá 20.000 – 25.000 đồng/tô, xương giò 30.000 – 35.000 đồng.

“Mức giá này đã tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái, và 20-30% so với năm trước. 2 năm trước, khu vực này có nhiều chỗ bán hủ tiếu với 10.000 – 15.000 đồng/tô, nhưng mức giá này đã biến mất”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, ngoài giá thịt heo vẫn giữ ổn định như năm ngoái, các mặt hàng đầu vào khác như mì, than, dầu ăn, đường, hạt nêm … đều đồng loạt tăng giá.

Nhiều người bán thực phẩm đầu vào cho biết ngoài giá gia vị, đồ khô, nhiều mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, hải sản … cũng đã tăng giá. Theo chị Minh (tiểu thương chợ Chu Văn An, quận Bình Thạnh), mùa này sản lượng rau giảm, chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu. Sản lượng hải sản cũng giảm, giá tăng do các chủ tàu hạn chế ra khơi vì áp lực lớn với giá dầu cao trong thời gian dài.

Ông Trần Quốc Thịnh – người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận) – cho biết giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 10-15% so với năm ngoái, nhất là thời điểm cuối năm. Khi giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít, nhiều nhà cung cấp lấy lý do xăng tăng giá để đòi thêm 5-7%.

“Sau thời gian dài dịch Covid-19, nhu cầu của người dân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều thời điểm chỉ đạt khoảng 60% lượng khách so với trước dịch. Do đó, dù gặp áp lực lớn với giá nguyên vật liệu nhưng đơn vị chưa dám điều chỉnh tăng giá. Tuy vậy, cứ mãi theo đà tăng này thì buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng gánh mãi”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, ông Quảng cho biết sau dịch Covid-19, giá mặt bằng cũng được các chủ nhà thông báo tăng từ 30-40% so với năm ngoái, cao hơn 20% so với trước khi có dịch. Tương tự, nhiều chủ mặt bằng cũng xác nhận giá thuê mặt bằng đã phục hồi trở lại nhờ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dần khôi phục. Thậm chí, để gỡ gạc thiệt hại lâu dài do Covid-19 gây ra, nhiều chủ mặt bằng tăng giá cho thuê từ 10-20% so với trước khi có dịch.

Ông Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng), cho biết rằng khi giá xăng ở mức 22.000-24.000 đồng/lít vào năm 2021, chi phí vận chuyển rau của từ Lâm Đồng vào TP HCM bình quân khoảng 1.500 đồng/kg tùy khoảng cách và mặt hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà xe hiện đã thu tới 2.000 đồng, thậm chí 2.200-2.500 đồng/kg do giá xăng dầu tăng mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan (TP HCM), cho biết do nhu cầu giảm nên đơn vị cố gắng giữ giá thịt tươi sống nhưng buộc phải tăng giá bán một số mặt hàng thực phẩm chế biến. Lý do là giá đầu vào, xăng dầu tăng nhanh, đặc biệt giá nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục.

Theo ông An, giá xăng dầu sẽ tác động đến tất cả các lĩnh vực, nhưng tùy từng ngành nghề mà tỷ lệ tác động đến cấu thành giá đầu vào sẽ khác nhau. “Vẫn có trường hợp người bán tát nước theo mưa, đẩy giá bán sản phẩm tăng cao qua mức so với tỉ lệ ảnh hưởng của mức tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào”, ông cho biết.