VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Gỡ thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản thế nào

Gỡ thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản thế nào

12:08 - 10/01/2023

Theo các chuyên gia, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản khó thanh toán được lượng trái phiếu khổng lồ 110.000 tỷ đồng đáo hạn trong năm 2023.

Với khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ nếu không có hỗ trợ của Chính phủ, theo các giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành. Nguồn vốn đã cạn kiệt sau khi những vụ bắt giữ chủ doanh nghiệp khiến hoạt động phát hành đóng băng trên khắp ngành bất động sản.

Làn sóng đào hạn ồ ạt sắp tới có nguy cơ gây ra một đợt vỡ nợ, có thể biến rắc rối của ngành bất động sản thành một cuộc khủng hoảng rộng hơn đối với lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế. Mặc dù quy mô tuyệt đối của nợ bất động sản của Việt Nam là rất nhỏ so với Trung Quốc, nhưng ngành này vẫn chiếm khoảng 11% hoạt động kinh tế. Đang xuất hiện những lời kêu gọi Chính phủ hành động để tránh tình trạng khủng hoảng tác động lên tăng trưởng kinh tế như đã thấy ở Trung Quốc.

“Lĩnh vực bất động sản đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn”, theo Trần Xuân Ngọc – Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long. “Chúng tôi không biết khi nào cuộc khủng hoảng có thể qua đi vì nó phụ thuộc vào hành động của chính phủ”.

Nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản đang cạn kiệt.

Nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản đang cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng đó có thể đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt hơn 8% trong năm ngoái và được các tổ chức dự báo đạt 6-7% trong năm nay. Nó cũng có tác động đối với ngành ngân hàng của đất nước, vốn có liên hệ mật thiết với bất động sản. Hai lĩnh vực này chiếm khoảng một nửa trọng số của chỉ số VN-Index.

Dấu hiệu căng thẳng đang lan ra. Gần đây, Fitch Ratings ước tính doanh số bán nhà giảm 5% trong năm tới, Cùng với chi phí tăng, điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng đòn bẩy tại các công ty bất động sản. Việc thiếu tiền mặt buộc các doanh nghiệp phải chuyển sang vay nóng với lãi suất rất cao và bán tài sản với chiết khấu sâu tới 40%. Ông Ngọc cho biết trước đây, mất khoảng 2 tháng để bán 1.000 căn nhà mới xây, nhưng bây giờ mất đến 6-8 tháng.

Các vấn đề của ngành có thể trở nên trầm trọng hơn khi trái phiếu đến hạn, với Công ty Chứng khoán SSI dự báo rằng năm tới sẽ là năm đáo hạn lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành bất động sản. Hầu hết những trái phiếu này được nắm giữ bởi các ngân hàng và nhà đầu tư riêng lẻ trong nước.

Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu vào năm ngoái sau khi cơ quan chức năng bắt giữ một loạt chủ doanh nghiệp bất động sản với cáo buộc vi phạm liên quan đến trái phiếu. Đây là một phần trong các hành động nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản và đại tu thị trường trái phiếu.

Các nhà phân tích cho rằng áp lực có thể được giải phóng từ việc nới lỏng các quy định trái phiếu. Vào tháng 9, Nghị định 65 được ban hành khiến cổ phiếu bất động sản lao dốc và làm giảm lượng phát hành trái phiếu mới thông qua nâng cao yêu cầu về công bố thông tin cũng như chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu.

Theo nhà phân tích Nguyễn Mạnh Dũng của Maybank, bất kỳ sự cải thiện nào trên thị trường bất động sản cũng cần có sửa đổi lớn đối với Nghị định 65. Ông dự đoán rằng Chính phủ sẽ có phản ứng khi có kết quả lợi nhuận của các nhà phát triển đầu năm nay.

Chính phủ có vẻ như đang muốn nở lỏng quy định. Vào tháng 12, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất sửa đổi Nghị định để cho phép các công ty kéo dài thời hạn đáo hạn trái phiếu lên đến 2 năm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đang thực hiện những biện pháp nhằm giúp các nhà phát triển tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Điều đó có thể không đủ, theo Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng tại BIDV. Ông cho rằng Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để thu hút nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu, chẳng hạn như rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng từ mức 6 tháng – 1 năm như hiện nay xuống còn 1 tháng hoặc ngắn hơn.

“Các biện pháp đưa ra đã tháo gỡ khó khăn từ phía cung, giúp các tổ chức phát hành dễ thở hơn. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp kích cầu hơn để tăng dòng tiền mới vào thị trường”, ông Lực nói.

Hoạt động phát hành trái phiếu mới của các nhà phát triển bất động sản hiện gần như đóng băng.

Hoạt động phát hành trái phiếu mới của các nhà phát triển bất động sản hiện gần như đóng băng.

Các biện pháp có ích khác bao gồm đẩy nhanh quy trình để các công ty được phép phát triển đất, giảm chi phí vay thông qua giảm lãi suất và đảm bảo công bố thông tin bán trái phiếu chính xác, theo Trần Khánh Hiền – Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

Dòng tiền là một mối quan tâm lớn khi rủi ro đảo nợ cao. Các doanh nghiệp – vốn dựa vào nguồn vốn ngắn hạn – vẫn đang nghiên cứu những quy định mới xung quanh việc chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp khi họ phải đối mặt với đợt đáo hạn khổng lồ vào năm tới. Bà Hiền dự đoán rằng việc đảo nợ sẽ trở thành một “bài kiểm tra sức chịu đựng đối với khả năng trả nợ của các nhà phát triển”.

Nhà đầu tư vào cổ phiếu của các nhà phát triển đang tháo chạy, với cổ phiếu của những doanh nghiệp như Novaland, Hải Phát hay Phát Đạt giảm hơn 80% trong năm 2022. Trong đó, Novaland đang trong quá trình tái cơ cấu kinh doanh. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản có nguy cơ suy thoái và có thể trở thành lực cản đối với nền kinh tế.

Những đơn vị cho vay ngành này cũng có thể bị ảnh hưởng. Theo một phân tích ngày 18/10 của Chứng khoán Bản Việt, Techcombank, TPBank và MB có tỷ lệ tiếp xúc với bất động sản từ 30% đến 70% trong danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của mình.

Việc bán tháo cổ phiếu trên diện rộng cũng làm tổn hại đến cơ hội huy động vốn trên thị trường cổ phiếu của các nhà phát triển. Thị trường cổ phiếu Việt Nam giảm 33% trong năm 2022 – một trong những thị trường tệ nhất thế giới.

“Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với những trở ngại trong ngắn hạn không chỉ từ các động thái chính sách mà còn từ môi trường lãi suất tăng”, theo ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc chứng khoán thu nhập cố định tại Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Manulife (Việt Nam).