VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tìm ra lối thoát hiểm

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tìm ra lối thoát hiểm

14:08 - 04/07/2023

Các khó khăn tác động đến thị trường BĐS không được giải quyết triệt để trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến kết quả toàn bộ thị trường chìm dần trong khó khăn. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ Doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đến Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và Môi giới BĐS.

Theo Dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Thị trường BĐS có dấu hiệu “suy yếu” kể từ đầu năm 2022. Tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm hiện tại (hết quý 1.2023). Cụ thể, Trong quý 1.2023, doanh thu của các Doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 Doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 Doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2023 số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 2.179 đơn vị, giảm tới 58,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 654 đơn vị, cũng tăng tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ có 23% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh và chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm… Cùng đó là nguyên nhân chủ quan do hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… cũng như vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để.

VARS cho biết, thị trường thời gian qua với đang rơi vào cảnh thiếu nguồn cung, sụt giảm nguồn cầu, sụt giao dịch, mất thị trường và thiếu dòng tiền.

Quý I/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn. Kể từ năm đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái khát nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.

Việc nguồn cung đến từ các sản phẩm nghèo nàn từ các dự án cũ đã không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng, đổi lại niềm tin vào thị trường BĐS ngày càng sụt giảm; khó khăn trong việc vay vốn mua BĐS cũng khiến nguồn cầu sụt giảm.

Một thực trạng khác là thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới BĐS chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt.

Thị trường BĐS thời gian qua với đang rơi vào cảnh thiếu nguồn cung, sụt giảm nguồn cầu, sụt giao dịch, mất thị trường và thiếu dòng tiền.

Kể từ đầu năm 2022, chính phủ đã tạo ra những chiếc phao để cứu thị trường và doanh nghiệp giúp Doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời hạn trả nợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 02/2023/TT-NHNN,… Tuy nhiên, những chính sách này chỉ có tác động giúp các Doanh nghiệp cầm chừng.

Theo VARS, để đưa các doanh nghiệp ra khỏi bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, cần thực hiện 3 phương án để tìm lối thoát hiểm.

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường.

Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Phương án thứ hai,  đối với các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.

Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, thực hiện mua lại các dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại. Rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Song song với đó, cần tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, nhằm đúng vấn đề thị trường đang trông đợi. Có chính sách hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp và thuế TNCN, giảm thuế…