VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

17:15 - 25/11/2021

Hiệp định EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam trong những năm tới.

Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đây là khởi đầu đáng khích lệ, nhưng không phải là tất cả.

Bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch, 2 bên cần tập trung vào triển vọng thương mại và đầu tư. “Nói cách khác, mục tiêu của chúng tôi không phải chỉ để tồn tại sau đại dịch mà là để phát triển thịnh vượng”, ông Cany nhấn mạnh.

Điều đáng mừng là có nhiều cơ hội lớn để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU sau đại dịch, theo ông. Nếu 2 bên có thể khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ này, triển vọng dài hạn sẽ rất tích cực và đầy hứa hẹn.

Decathlon sản xuất 150 triệu sản phẩm mỗi năm ở Việt Nam.

Decathlon sản xuất 150 triệu sản phẩm mỗi năm ở Việt Nam.

Lãnh đạo EuroCham cho rằng, hiện tại, các hoạt động sản xuất đang dần quay trở lại, và các bên cần tận dụng tối đa EVFTA. Trong thập kỷ tới, thị trường ngày càng mở cửa, cùng với việc từng bước cắt giảm thuế quan, sẽ mở ra một làn sóng thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp 2 phía.

“Chúng ta đang trỗi dậy từ một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã đến lúc phải nắm bắt các cơ hội giao thương giữa EU và Việt Nam để các công ty và cộng đồng của cả hai bên có thể phục hồi”, ông Cany nói.

Với Decathlon – nhãn hiệu đồ thể thao của Pháp, Việt Nam là quốc gia sản xuất lớn thứ 2 trên toàn cầu, cung cấp cho công ty 150 triệu sản phẩm trong năm 2020. Đại diện của doanh nghiệp này tái khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của mình.

Đồng thời, Decathlon mong muốn có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. Trong ngắn hạn là hỗ trợ tiêm phòng đầy đủ cho công nhân tại các nhà máy cung ứng của doanh nghiệp. Tiếp đến là tăng tốc nội địa hóa các hoạt động đầu của chuỗi giá trị như sợi, nguyên vật liệu; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chuyển đội tự động hóa và số hóa các hoạt động. Đặc biệt, doanh nghiệp châu Âu mong đợi số hóa đồng bộ hơn và giảm thiểu quy định phức tạp trong lĩnh vực hải quan.

Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Bosch cam kết tiếp tục đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

“Với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu, chúng tôi có lộ trình trong 5 năm tới tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Bằng cách tăng gấp đôi công suất của Trung tâm Phần mềm cùng với việc thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai và thành lập văn phòng công ty tại TP HCM”, ông Mallikarjuna nói.

Ở góc độ khác, ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Logistics cho rằng, để thúc đẩy thương mại quốc tế, Việt Nam cần phát triển các trung tâm phân phối và logistics chất lượng. tiếp tục thúc đẩy đầu tư thông qua hợp tác phát triển nguồn nhân lực ở cấp quốc gia, nâng cao năng lực địa phương trong lĩnh vực số hóa và công nghiệp 4.0. Đồng thời, hợp tác với tất cả các đối tác để đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam.

Rào cản lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực logistics là thiếu quỹ đất cho kho bãi và logistics để có thể phát triển các trung tâm phân phối chất lượng, đặc biệt là xung quanh TP HCM và Hà Nội. Vì vậy, Việt Nam cần phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng đa phương thức. Với vị trí địa lý trong đó toàn bộ các con sông đều chảy vào nội địa, việc phát triển đường thủy nội địa có cơ hội lớn.

Ngoài ra, việc phát triển các tuyến đường sắt vận tải hàng hóa giữa những trung tâm công nghiệp chính trong nước cũng như qua các nước lân cận, đến tận châu Âu sẽ là một giải pháp thay thế tốt cho những phương thức vận tải hiện nay.