VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp châu Âu tự tin hơn về môi trường kinh doanh Việt Nam

Doanh nghiệp châu Âu tự tin hơn về môi trường kinh doanh Việt Nam

11:51 - 10/10/2023

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng lên 45,1 trong quý III từ mức 43,5 của quý trước.

Các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam đánh giá môi trường kinh doanh quý III tích cực hơn so với quý II, tiếp tục xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn dù vẫn còn các vấn đề như thủ tục hành chính và quy định không rõ ràng.

Theo một báo cáo do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố ngày 9/10, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng lên 45,1 trong quý III từ 43,5 của quý trước.

Dù vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm trong quý thứ tư liên tiếp, mức tăng này cho thấy động lực kinh tế tích cực. Từ quý II sang quý III, mức độ bi quan về tình hình kinh doanh giảm 3 điểm phần trăm, trong khi quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt 6 và 4 điểm phần trăm.

Gần 1/3 số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát coi Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của họ.

Gần 1/3 số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát coi Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của họ.

Cuộc khảo sát mới cũng cho thấy dự báo cho quý tới thay đổi. So với cuộc khảo sát quý II, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo kinh tế ổn định và tăng trưởng trong quý tới tăng 11 điểm phần trăm. Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo xu hướng tiêu cực giảm 5 điểm phần trăm.

Sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với 63% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá Việt Nam nằm trong 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. Trong đó, 31% xếp Việt Nam trong top 3 và 16% gọi Việt Nam là điểm đến đầu tư số một.

Phản ánh niềm tin này, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, có tới 59% cho rằng khó khăn về thủ tục hành chính là thách thức chính của họ khi hoạt động tại Việt Nam.

Để cải thiện khả năng thu hút FDI của Việt Nam, 58% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc tinh giản bộ máy quan liêu là chìa khóa, 48% ủng hộ cải thiện môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh vào việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.

Tính bền vững ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các công ty châu Âu tại Việt Nam, với 80% cho rằng ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là một yếu tố quan trọng cao hoặc vừa phải.

Về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), hơn 60% doanh nghiệp cho rằng hiệp định này có lợi sau hơn 2 năm thực thi, với lý do hàng đầu là giảm thuế quan, tiếp theo là tăng khả năng cạnh tranh ở Việt Nam, giảm rào cản thương mại, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và tăng khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận xét rằng báo cáo cho thấy rõ ràng các doanh nghiệp châu Âu đang vững tin kinh doanh ở Việt Nam. “Gần 1/3 thành viên của chúng tôi xếp Việt Nam là một trong ba địa điểm đầu tư hàng đầu, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi trong quan hệ hợp tác này”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những thách thức vẫn còn. “Mặc dù chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng GDP và FDI trong quý III đầy hứa hẹn nhưng các vấn đề vẫn tồn tại – đặc biệt là với xuất khẩu và bất động sản. Để đạt được tiến bộ, việc giải quyết gánh nặng hành chính, quy định không rõ ràng và các rào cản về cấp phép là rất quan trọng. Chúng tôi vẫn cam kết đối thoại mở cửa để cùng nhau giải quyết hiệu quả những vấn đề này”.

Chỉ số BCI hàng quý do Decision Lab thu thập là công cụ quan trọng để tìm hiểu quan điểm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hoặc liên quan đến châu Âu tại thị trường Việt Nam. Được tiến hành từ năm 2011, BCI thu thập phản hồi từ mạng lưới rộng khắp gồm 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau.