VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Nhật Bản: Việt Nam có triển vọng kinh doanh tốt thứ hai sau Ấn Độ

Doanh nghiệp Nhật Bản: Việt Nam có triển vọng kinh doanh tốt thứ hai sau Ấn Độ

10:31 - 15/12/2023

Một cuộc khảo sát cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản dường như coi Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng nhất để chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam đứng thứ hai trong một cuộc khảo sát các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản về quốc gia hoặc khu vực có triển vọng phát triển kinh doanh, chỉ xếp sau Ấn Độ và vượt qua Trung Quốc.

Ngày 14/12, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố kết quả cuộc khảo sát hàng năm, thu thập từ phản hồi của 534 doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực từ ô tô, hóa chất đến điện tử.

30% doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một quốc gia có triển vọng phát triển kinh doanh trong trung hạn.

30% doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một quốc gia có triển vọng phát triển kinh doanh trong trung hạn.

Khi được hỏi về những quốc gia có triển vọng phát triển kinh doanh trong trung hạn – với mỗi doanh nghiệp được phép chọn nhiều hơn một nước – câu trả lời xuất hiện nhiều nhất là Ấn Độ với 48,6%. Lý do phổ biến nhất mà các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra là tiềm năng tăng trưởng của thị trường địa phương.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Ấn Độ dẫn đầu trong cuộc khảo sát này.

Việt Nam tăng hạng từ thứ 4 lên thứ 2 với tỷ lệ 30%, nhận được nhiều lời khen cho lực lượng lao động giá rẻ nhưng có tay nghề cao. Mặc dù mức lương ở Việt Nam tăng trưởng hàng năm, nhưng các doanh nhiệp Nhật Bản vẫn “ít lo lắng về chi phí lao động tăng lên”, theo Shinichi Itagaki – giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược của JBIC.

Nhiều chính quyền địa phương Nhật Bản – bao gồm các tỉnh Gunma, Shiga và Tochigi – đã cử phái đoàn đến Việt Nam trong năm nay. Phần lớn phái đoàn là doanh nghiệp sản xuất, nhưng theo một nguồn tin của Ngân hàng Gunma, “các công ty thiên về nhu cầu nội địa cũng đang chú ý [đến Việt Nam]”.

Tháng trước, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện – cấp cao nhất của Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Trái ngược với Việt Nam, vị thế của Trung Quốc trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản giảm sút rõ rệt. Chỉ có 28,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát đánh giá Trung Quốc có triển vọng, điểm số thấp nhất từ trước đến nay (nước này luôn đứng thứ nhất hoặc thứ hai trong các cuộc khảo sát hàng năm kể từ 2015). Căng thẳng gia tăng với Mỹ, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và luật chống gián điệp nghiêm ngặt hơn là những nguyên nhân được chỉ ra trong khảo sát.

Ông Itagaki cho rằng “sự suy thoái trong môi trường đầu tư của Trung Quốc” đóng góp vào thành tích cao của Ấn Độ trong cuộc khảo sát, đồng thời nhắc đến tăng trưởng dân số và sự cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia Nam Á này.

Cuộc khảo sát dường như cũng cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản xem Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng nhất để chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư cụ thể vào Việt Nam thấp hơn vào Ấn Độ và Trung Quốc.