VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp nội khó tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI

Doanh nghiệp nội khó tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI

16:45 - 16/09/2022

Dù Việt Nam được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) song các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể bắt nhịp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để cùng nhau tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thiếu sự kết nối giữa hai khu vực

Từ năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng sau Singapore và Indonesia. Tính luỹ kế đến tháng 8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra trên 50% sản lượng công nghiệp trên toàn quốc và tạo ra trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu… Tuy nhiên, dù đạt được những thành quả tích cực trong việc thu hút FDI, trong hơn 1/3 thế kỷ qua, nền công nghiệp của Việt Nam về căn bản chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng không lớn. Đáng chú ý, doanh nghiệp FDI đã không kết nối được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước, mà tồn tại như những “ốc đảo”.

Doanh nghiệp FDI thiếu kết nối với các doanh nghiệp ở trong nước

Thực tế đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Còn các doanh nghiệp FDI cũng khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam do doanh nghiệp nội không đáp ứng được những tiêu chuẩn và công nghệ cần thiết. Do đó, phần lớn các nguyên liệu, vật tư của doanh nghiệp FDI vẫn phải nhập từ nước ngoài.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, tốc độ của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước đang không bắt nhịp được với nhau và chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để cùng nhau tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần biến “băng đỏ” thành “thảm đỏ”

Không thể phủ nhận, chính phủ và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nỗ lực để doanh nghiệp trong nước hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo bỏ để thu hút doanh nghiệp FDI hơn nữa.

Chia sẻ tại một diễn đàn tại TP HCM vào sáng 15/9, ông Leif Schneider – Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho rằng các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép hoặc phê duyệt M&A.

Bên cạnh đó, Việt Nam có những ưu thế về thị trường lao động như số lượng lớn với chi phí tương đối thấp, song với trình độ học vấn tổng thể chưa cao cùng với bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và làm việc. Hầu hết các nhà đầu tư đặt yếu tố con người là tiên quyết. Do đó, thị trường lao động của Việt Nam cần phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, chính quyền cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch, có thể biến “băng đỏ” thành “thảm đỏ”.

Đứng trước làn sóng FDI thứ 3, Việt Nam đang kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá với những lợi thế về lực lượng lao động, vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị xã hội, độ mở nền kinh tế… Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng chúng ta vẫn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và chưa chuẩn bị thật tốt về mặt nhân lực, về cơ sở hạ tầng, về mặt thể chế để thực sự nâng cấp Việt Nam phát triển với chất lượng và giá trị gia tăng lớn để trở thành một đất nước phát triển.

Còn theo ông Frederick R. Burke – Cố vấn cấp cao Baker & Mc Kenzie (Vietnam) Ltd., khung pháp lý luôn là mối quan tâm của nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư mong muốn các quy định pháp luật là một công cụ giúp họ xác định tính khả thi cho việc đầu tư cũng như lãi/lỗ một cách tương đối.

Riêng tại TP HCM – địa phương liên tục đứng đầu về số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại diễn đàn “Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP.HCM”, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho biết để tiếp tục thu hút tốt nguồn lực FDI, TP HCM cần cải thiện môi trường đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông cảng biển, sân bay, hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tay nghề, cải thiện năng suất lao động…

Ngoài ra, thành phố cần đẩy nhanh việc cấp phép cho lao động nước ngoài, gia hạn giấy phép đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến…