VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp nội thất Mỹ gặp khó do trì hoãn đơn hàng từ Việt Nam

Doanh nghiệp nội thất Mỹ gặp khó do trì hoãn đơn hàng từ Việt Nam

16:46 - 02/12/2021

Các doanh nghiệp nội thất Mỹ bị trì hoãn đơn hàng và giảm lượng hàng tồn kho sau nhiều tháng đóng cửa nhà máy ở Việt Nam. Họ đang tìm cách mở rộng nguồn cung ứng ra các nước khác.

Nhu cầu cao đối với đồ nội thất và sản xuất phục hồi chậm ở Việt Nam dự kiến ​​sẽ giữ cho mức tồn kho của các nhà bán lẻ nội thất Mỹ ở mức thấp sang đến năm 2022, các giám đốc điều hành trong ngành cho biết.

Các nhà máy ở Việt Nam mở cửa trở lại vào ngày 1/10 sau gần 3 tháng ngừng hoạt động do Covid-19. Vì vậy, các nhà sản xuất ở Việt Nam phải đối mặt với lượng lớn đơn đặt hàng chưa thực hiện bên cạnh lượng đơn hàng mới ổn định.

Ngành gỗ Việt Nam đang có lượng lớn đơn đặt hàng chưa thực hiện.

Ngành gỗ Việt Nam đang có lượng lớn đơn đặt hàng chưa thực hiện.

Thương hiệu nội thất Mỹ La-Z-Boy hiện mới chỉ vận chuyển được những đơn hàng đã đặt với các nhà cung cấp từ hồi tháng 7. “Thách thức lớn nhất của chúng tôi là mọi thứ chúng tôi đặt hàng từ họ vào tháng 7 đều đã hết sạch”, giám đốc tài chính Bob Lucian cho biết. “Chúng tôi đã nhận được [những lô hàng đó] và hiện đang vận chuyển. Sẽ mất một thời gian để lấp đầy chuỗi cung ứng đó và bắt đầu đưa sản phẩm lên biển để đến đây”. Công ty dự báo doanh số các mặt hàng tủ tạm thời giảm xuống.

Một nhà bán lẻ khác là Williams-Sonoma đang chứng kiến mức đơn hàng chưa giao cao kỷ lục do sự trì hoãn ở Việt Nam, đặc biệt là về nội thất trong nhà cho trẻ em, khi các nhà cung cấp Việt Nam nỗ lực tăng công suất. Công ty không dự báo mức tồn kho sẽ bình thường trở lại cho đến giữa năm 2022, theo CEO Laura Alber.

Công ty thương mại điện tử Wayfair cũng dự báo “hiệu ứng gợn sóng từ việc đóng cửa nhà máy ở châu Á” sẽ “làm mờ triển vọng trong phần lớn năm 2022”, CEO Niraj Shah cho biết.

Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu đồ nội thất lớn sau khi Mỹ áp thuế đối với đồ nội thất sản xuất tại Trung Quốc vào đầu năm 2018, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nhà cung cấp ở những nơi khác. Việt Nam xuất khẩu lượng đồ nội thất trị giá 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 sang Mỹ, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc các nhà máy ngừng hoạt động vào tháng 7 đã nhanh chóng khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, được sử dụng để làm đồ nội thất gỗ, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8.

Các quan chức thương mại ước tính sẽ mất đến 6 tháng sau khi mở cửa trở lại để lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phục hồi. Trong khi đó, các công ty Mỹ đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới bên ngoài Việt Nam để tránh tình trạng chậm trễ tại cảng và những ách tắc vận chuyển khác.

Ví dụ, Williams-Sonoma đang bắt đầu thu mua từ “những nơi khác trên thế giới mà chúng tôi chưa bao giờ thu mua với số lượng lớn”, theo Alber.

Theo Lucian, La-Z-Boy đang tăng cường năng lực sản xuất tại Mexico với kế hoạch mở một nhà máy mới vào tháng 1. Nhưng ngay cả công suất tăng thêm cũng không đủ để La-Z-Boy tăng đáng kể lượng hàng tồn kho, vì các cơ sở ở Mexico vẫn chưa tạo ra hiệu quả như mong đợi.

“Hiện tại, với tất cả nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện để nâng cao năng lực của mình, chúng tôi chỉ đang còn những đơn hàng tồn đọng”, Lucian nói. “Chúng tôi vẫn chưa thực sự giảm được số đơn hàng đó xuống”.