VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp thiệt hại “không đếm xuể” vì mất điện

Doanh nghiệp thiệt hại “không đếm xuể” vì mất điện

14:30 - 16/06/2023

Các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề vì mất điện ở miền Bắc mùa hè này.

Miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng trong nắng nóng gay gắt và hạn hán mùa hè năm nay, dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên và đột ngột, gây thiệt hại “không đếm xuể” cho các công ty sản xuất nội địa và nước ngoài.

Các lãnh đạo doanh nghiệp nói với hãng thông tấn AFP rằng hoạt động tại nhiều nhà máy đã bị ảnh hưởng nặng nề do mất điện kéo dài. Một số cho biết họ chỉ được thông báo cắt điện sát giờ hoặc không được thông báo.

Ông Vũ Chí Hiếu – Giám đốc Công ty cổ phần XNK Kingbill, chuyên sản xuất linh kiện nhôm tại tỉnh Bắc Ninh – cho biết: “Chúng tôi bị cắt điện 26 giờ. Hôm đó chúng tôi thiệt hại hàng chục nghìn USD. Thật không hay chút nào”.

Tuần trước, một số khu công nghiệp ở miền Bắc được yêu cầu giảm một nửa mức sử dụng năng lượng, khiến các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu phải kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Tình trạng mất điện diễn ra từ tháng 5 và có thể kéo dài đến tháng 7.

Tình trạng mất điện diễn ra từ tháng 5 và có thể kéo dài đến tháng 7.

Susumu Yoshida thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói rằng thiệt hại trực tiếp từ một lần mất điện duy nhất ảnh hưởng đến 5 nhà sản xuất tại một khu công nghiệp là hơn 190.000 USD. “Tổng thiệt hại giữa các khu công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam dường như là một con số không đếm xuể”.

Tình trạng thiếu điện bắt đầu từ đầu tháng 5 khi nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục, trong khi các hồ chứa thủy điện cạn nước. Thủy điện chiếm gần 30% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, và chiếm đến hơn 40% công suất lắp đặt ở miền Bắc. Đồng thời, do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao nên phụ tải tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia Nguyễn Quốc Trung. Ông cảnh báo tình trạng thiếu điện ở miền Bắc sẽ tiếp tục đến tháng 7.

Ở Hải Phòng, một số hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp ngành logistcs và vận tải biển – vốn dựa vào một mạng lưới kỹ thuật số để điều phối công việc và cần điện để vận hành thiết bị xếp dỡ và làm mát xe tải – đã gửi công văn kiến nghị tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đối với mỗi lần cắt điện kéo dài hơn 6 giờ, các doanh nghiệp có thể phải bồi thường cho các tàu chờ đợi. Những tàu này phải trả phí cập cảng lên tới 50.000 USD và cũng bị phạt nếu chậm giao hàng.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phàn nàn rằng việc cắt điện 2-3 lần một tuần “đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất”. “Vấn đề cắt điện sẽ rất nghiêm trọng đối với không chỉ các công ty đã đầu tư vào Việt Nam, mà còn đối với chúng tôi đang cố gắng kêu gọi nhà đầu tư đến Việt Nam”, theo Hong Sun – Chủ tịch Phòng Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư khác cho rằng tình trạng mất điện – khiến thủ đô ngày càng tối đi vào ban đêm vì tắt đèn đường – không phải là điều đẹp đẽ cho Việt Nam.

“Chúng tôi đã ghi nhận vấn đề này được đưa ra bởi cả khách hàng hoạt động tại Việt Nam và khách hàng đang muốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng”, theo Kevin Hawkins – một cộng sự ở công ty luật DFDL tại TP HCM chuyên về năng lượng. “Điều này đáng lo ngại và [họ] đặt câu hỏi liệu đây là vấn đề ngắn hạn hay sẽ còn tiếp diễn”.

Gần đây, Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm tiêu thụ điện 2% mỗi năm cho đến năm 2025, gợi ý rằng tình trạng thiếu điện có thể vẫn tiếp diễn.

Theo Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng phê duyệt vào tháng trước, Việt Nam đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050, một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Nhu cầu điện đang tăng nhanh với tốc độ tăng trung bình hơn 8% mỗi năm, theo tính toán của Bộ Công Thương. Do đó, tiết kiệm điện là “giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thibaut Giroux – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, đồng thời là tổng giám đốc của công ty sản xuất linh kiện thép Stolz-Miras – nói rằng nhà máy của ông được yêu cầu giảm 10% lượng tiêu thụ điện trung bình hàng ngày từ nay đến năm 2025, mặc dù nằm ở tỉnh Đồng Nai.

“[Để tuân thủ] tôi sẽ phải giảm sản xuất, bởi vì về cơ bản thứ tiêu thụ điện năng là máy móc sản xuất của tôi”, theo ông Giroux – chủ của công ty cung cấp phụ tùng cho những doanh nghiệp khổng lồ như Nestle, Unilever và Bayer.

Trong một bức thư gửi cơ quan chức năng, phòng thương mại Nhật Bản cảnh báo rằng nếu không tìm ra giải pháp, “một số công ty thành viên … thậm chí có thể nghĩ đến việc chuyển cơ sở sản xuất của mình” ra khỏi Việt Nam.