VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam dừng đầu tư mới, có thể phải đóng cửa nếu thuế quan Trump quay trở lại

Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam dừng đầu tư mới, có thể phải đóng cửa nếu thuế quan Trump quay trở lại

11:59 - 05/05/2025

Nhiều nhà máy đã hủy đơn hàng và bỏ kế hoạch mở rộng mặc dù Mỹ đang tạm dừng thuế quan “đối ứng” trong 90 ngày.

Những ngày này, Shi Xinchuan – chủ một cửa hàng ngũ kim ở miền bắc Việt Nam – dành nhiều thời gian ngồi một mình trong cửa hàng trống rỗng của mình. Tâm trí anh tràn ngập các giả thuyết đầy lo lắng về những người sẽ bị tổn hại – và mức độ nghiêm trọng – do thuế quan của Mỹ.

Kể từ khi chuyển từ quê hương Trung Quốc, chàng trai 24 tuổi này đã kiếm sống bằng cách cung cấp keo dán, linh kiện điện tử và những hàng hóa khác cho các công ty tại thành phố Bắc Ninh.

Nhưng nhiều khách hàng Trung Quốc ở đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi các chính sách thương mại quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa làm đảo lộn lĩnh vực xuất khẩu rộng lớn của Việt Nam.

“Các công ty Trung Quốc ở đây đang chờ đợi, quan sát trong hai tháng tới”, Shi nói trong khi pha một ấm trà. “Họ sợ, đúng là họ sợ”.

Ảnh minh họa: Lau Ka-kuen/South China Morning Post.

Ảnh minh họa: Lau Ka-kuen/South China Morning Post.

Đây là thời điểm căng thẳng và bất ổn đối với các doanh nghiệp ở Bắc Ninh. Thành phố gần 1/4 triệu người này đã nổi lên như một trung tâm sản xuất thịnh vượng trong vài năm qua, khi các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến đây để tìm một con đường không thuế quan vào thị trường Mỹ.

Bây giờ, con đường đó có nguy cơ bị đóng lại. Hồi đầu tháng 4, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam – một trong những mức thuế cao nhất thuộc cái mà ông gọi là thuế quan “đối ứng”.

Mặc dù Washington sau đó đã tạm dừng nó trong 90 ngày, nhưng nó tiếp tục treo lơ lửng trên đầu các nhà xuất khẩu ở Việt Nam. Trừ khi Hà Nội có thể đạt được thỏa thuận với Washington, thuế quan sẽ có hiệu lực vào tháng 7.

Các doanh nghiệp trong nước đã cảm thấy tác động. Mặc dù một số nhà máy ghi nhận số đơn hàng tăng đột biến trong thời gian hoãn 90 ngày, các công ty Trung Quốc khác đã đóng băng kế hoạch mở rộng hoặc rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, theo các nhà phân tích và doanh nhân ở địa phương.

Gia đình của Shi cũng điều hành một doanh nghiệp khác tổ chức sự kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc muốn lập hoạt động ở Bắc Ninh. Anh nói rằng một số khách hàng đó nhiều khả năng sẽ đóng cửa nếu thuế quan Mỹ trở lại vào mùa hè.

“Nếu thuế quan giữ nguyên ở 46%, chắc chắn sẽ rất khó khăn đối với những người bán hàng nhỏ có biên lợi nhuận thấp như các nhà sản xuất hàng dệt may”, theo Dan Martin, cố vấn kinh doanh quốc tế tại Hà Nội của Dezan Shira & Associates. “Bạn có thể thấy đây là một vấn đề lớn”.

Mọi người đều bàn về thuế quan ở Bắc Ninh những ngày này, theo Xiao Hao, một thợ cắt tóc chuyển đến thành phố này từ tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vào tháng 4. “Tất nhiên, những gì Trump đang làm sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi”, anh thở dài.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc tại Việt Nam không có lựa chọn dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh để lập cơ sở tại này kể từ năm 2018, khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Việc quay trở lại Trung Quốc cũng không giúp ích gì cho hầu hết họ, vì Washington đánh thuế hàng hóa Trung Quốc thậm chí còn cao hơn – tổng mức thuế thực tế lên tới 156% với nhiều ngành, mặc dù một số mặt hàng được miễn.

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ở Bắc Ninh đang ngồi im và lo lắng chờ xem liệu Hà Nội có thể thuyết phục Washington hủy bỏ – hoặc ít nhất là giảm – thuế quan đối ứng nhắm vào Việt Nam hay không.

Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng vận động Mỹ đạt thỏa thuận, với việc Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent lần đầu tiên vào ngày 10/4 khi cả hai bên nhất trí bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức.

Theo các báo cáo truyền thông, Hà Nội đã đưa ra một loạt nhượng bộ cho Washington để được giảm thuế, bao gồm giảm thuế quan của mình đối với các sản phẩm từ Mỹ như ô tô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, và cấp phép cho dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Elon Musk.

Mặc dù hai chính phủ vẫn chưa xác nhận thỏa thuận, một số nhà đầu tư Trung Quốc tại Bắc Ninh kỳ vọng mức thuế 46% sẽ được giảm một nửa hoặc hơn.

Nhưng mối quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc có thể là một vấn đề phức tạp. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp các nhà lãnh đạo tại Hà Nội vào tháng trước, ông Trump nghi ngờ hai bên thảo luận về cách lợi dụng Mỹ.

Về phần mình, Bắc Kinh đã thúc giục các đối tác thương mại của họ không ký các thỏa thuận với Mỹ “với cái giá phải trả là lợi ích của Trung Quốc”.

Cuối cùng, thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam “sẽ giảm xuống, nhưng tôi chưa nghe thấy con số thần kỳ nào”, theo Carl Thayer, giáo sư chính trị danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, có nghiên cứu tập trung vào Đông Nam Á.

Con số cuối cùng sẽ rất quan trọng. Các chuyên gia cho biết thuế quan 46% sẽ xóa hoàn toàn lợi nhuận của nhiều công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Mức thuế thấp hơn “vẫn gây đau cho nhiều công ty, nhưng đối với các công ty lớn hơn thì đó không phải là yếu tố quyết định”, ông Martin nói.

Nếu có một thỏa thuận, các chi tiết khác của nó cũng có thể quan trọng đối với các nhà xuất khẩu ở Bắc Ninh, chẳng hạn như quy định của Mỹ về tiêu chuẩn để một sản phẩm được xem là “made in Vietnam”.

Washington đã bày tỏ lo ngại về việc doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam để chuyển hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ, cho phép họ trốn thuế của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, các nhà máy ở Việt Nam thường tạo thêm giá trị cho hàng Trung Quốc chưa hoàn thiện, nên chúng được tính chính thức là hàng “made in Vietnam”.

Hiện tại, các sản phẩm phải có ít nhất 30% sản xuất trong nước để được hải quan Mỹ phân loại là hàng hóa Việt Nam. Theo ông Martin, có thông tin cho rằng Washington sẽ nâng ngưỡng đó, mặc dù không rõ giới chức Mỹ quan tâm thế nào đến thông lệ này.

Nếu quy tắc đó được thắt chặt, nó có thể gây ra một làn sóng biến động khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do số lượng lớn các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang có nhà máy ở nước ngoài.

Vào tháng 4, Goldman Sachs ước tính rằng 20% các nhà sản xuất Trung Quốc mà họ theo dõi đang sử dụng cơ sở ở nước ngoài – đặc biệt là ở Đông Nam Á và Mexico – để giảm gánh nặng thuế quan.

Hiện tại, hầu hết các công ty do Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam đự định tiếp tục hoạt động như thường lệ, nhưng sẽ hoãn mọi kế hoạch đầu tư mới cho đến khi kết thúc đàm phán thuế quan, theo các nhà phân tích.

“Không dễ để thay đổi đơn hàng của bạn”, theo Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội.

Ở trung tâm thành phố Bắc Ninh, các doanh nhân Trung Quốc vẫn đi lại tấp nập trong và ngoài những khách sạn và tổ chức họp tại các quán cà phê ngoài trời.

Người lao động chờ vào nhà máy sản xuất linh kiện điện tử do công ty Trung Quốc Goertek vận hành tại Bắc Ninh, Việt Nam vào ngày 22/4. Ảnh: Ralph Jennings/South China Morning Post.

Người lao động chờ vào nhà máy sản xuất linh kiện điện tử do công ty Trung Quốc Goertek vận hành tại Bắc Ninh, Việt Nam vào ngày 22/4. Ảnh: Ralph Jennings/South China Morning Post.

Nhân viên làm việc cho Goertek – một nhà sản xuất linh kiện điện tử của Trung Quốc, vận hành một khu nhà máy rộng lớn ở ngoại ô thành phố – cho biết công việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Liu Wenping – giám đốc kinh doanh của một công ty kinh doanh kim loại địa phương – cho biết công ty của ông hoạt động ổn nhưng một số khách hàng đang gặp khó khăn. “Tác động khá lớn và một số người đã rời đi”.

Ming Ying – làm việc cho một công ty tư vấn của Việt Nam giúp người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp địa phương – cho biết công ty của mình nhận được ít yêu cầu hơn so với đầu năm 2024 vì các nhà đầu tư lo ngại về thuế quan.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã tính thêm thuế quan 20-30% vì họ tin rằng họ có thể chịu được chi phí, theo Liu Jie, điều hành một công ty tiếp thị thương hiệu nước ngoài có văn phòng tại Hà Nội.

Nhưng ông cũng biết về một phái đoàn gồm 1.000 người từ Trung Quốc đã hủy chuyến công tác đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế vì họ không còn ý định lập nhà máy tại đây.

Theo ông, các nhà sản xuất ở Bắc Ninh đã phản ứng khác nhau trước chuỗi sự kiện gần đây. Một số đẩy nhanh các đơn đặt hàng từ Mỹ để tận dụng thời gian đóng băng thuế quan 90 ngày, trong khi những người khác đã hủy đơn hàng.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy lượng hàng xuất khẩu sang Việt Nam tăng mạnh trước khi thuế quan có hiệu lực, vì các nhà sản xuất vội vã đặt hàng trước. Xuất khẩu linh kiện máy tính tháng 3 tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Martin cho biết nếu Mỹ áp thuế đối với Việt Nam, các công ty Trung Quốc tại đây có thể tồn tại bằng cách xây dựng lại mạng lưới cung ứng của họ mà không có Mỹ, chuyển hướng hàng hóa sang châu Á hoặc châu Âu.

Nhưng Wu Lingyun – ông chú của Shi và tổng giám đốc doanh nghiệp tổ chức sự kiện – nói rằng “Mỹ vẫn là thị trường chính” đối với các công ty ở Bắc Ninh.

“Tại sao các công ty Trung Quốc lại đến Việt Nam?” ông nói. “Là vì, giống như Apple, Microsoft và Tesla. Lợi nhuận cao hơn một chút”.

Theo:

https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3308705/chinese-firms-vietnam-halt-new-investment-face-closure-if-trumps-tariffs-return