VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Việt cần thêm trợ lực để phục hồi và phát triển

Doanh nghiệp Việt cần thêm trợ lực để phục hồi và phát triển

11:29 - 19/09/2022

Tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc cho doanh nghiệp được xem là mấu chốt giúp phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.

Nhiều tín hiệu đáng mừng

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, trong số đó, riêng doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 101.325 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021 (3,638 triệu tỷ đồng); trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập tăng 0,3% so với cùng kỳ (1,136 triệu tỷ đồng) và vốn đăng ký tăng thêm tăng 62,6% so với cùng kỳ (2,502 triệu tỷ đồng).

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, việc có hơn 35.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 2,5 triệu tỷ đồng là tín hiệu đáng mừng vì các doanh nghiệp này nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra sáng 18/9, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam khẳng định sau 2 năm lao đao vì dịch bệnh, niềm tin của doanh nghiệp vào việc điều hành chính sách kinh tế – tài chính, sự ổn định chính trị, kiểm soát lạm phát của Chính phủ là một trong những động lực để các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường trong năm nay.

Doanh nghiệp còn khó khăn

8 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi, song số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn đang tăng khá cao, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh – sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Theo bà Hà Thu Thanh, doanh nghiệp đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn vẫn là một trong những thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt. Phần lớn nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể là do khó khăn về tài chính, đặc biệt là dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên.

Khảo sát gần đây nhất của Ban IV dựa trên phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn tài chính, đặc biệt là việc thiếu vốn lưu động. Cùng đó là thách thức từ chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục chịu sức ép tăng. Ngoài ra, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân của các nền kinh tế lớn như Mỹ, hoặc các nước Châu Âu trong bối cảnh lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, vấn đề lao động cũng là một thách thức lớn với các doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Theo Chủ tịch Deloitte, hiện nay, thị trường lao động đang thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, cùng với đó là sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt.

Về khía cạnh đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thực sự ưu tiên ngân sách, nguồn lực cho công tác R&D để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh. Nguyên nhân chủ yếu do đại đa số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc tiếp cận vốn và công nghệ vẫn còn hạn chế.

Cùng đó, doanh nghiệp còn gặp vướng trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường như giá cả, loại mặt hàng, thị hiếu, các rào cản kỹ thuật của thị trường có nhập khẩu hàng Việt Nam… Chẳng hạn một số thị trường lớn như EU, Mỹ đang đề xuất áp dụng “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon”, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tiếp cận thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan giảm phát thải vào các thị trường này…

Cần thêm trợ lực

Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến nghị bên cạnh thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu, về dài hạn, cần điều chỉnh bớt chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. Cụ thể, ông Lê đề xuất, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Lê cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh room tín dụng.

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cũng kiến nghị tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện – đầu vào quan trọng của doanh nghiệp. Cùng với đó là có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Còn bà Hà Thu Thanh đưa ra một số kiến nghị như cần cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong trong việc ứng phó với thay đổi và tác động môi trường, chẳng hạn ưu đãi về thuế hay mặt bằng sản xuất để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn… Thứ hai, hướng tới xây dựng thị trường tài chính lành mạnh và bền vững, thông qua các biện pháp như nâng hạng thị trường chứng khoán… Cuối cùng, cần quan tâm chăm lo tới đời sống của người lao động, coi đó như một giải pháp thúc đẩy nguồn lực xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Thực tế hàng năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng dễ bị tổn thương.

Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường vì họ không có khả năng vượt qua được khủng hoảng thì vốn doanh nghiệp đã đầu tư bị phá hủy, người lao động bị mất việc làm, mức độ bất bình đẳng trong xã hội có thể tăng lên. Chính vì vậy, bà Thanh cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp giúp doanh nghiệp có thể tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc.