VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ

11:39 - 30/08/2021

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP HCM kêu gọi 5.000 chữ ký vào lá thư kiến nghị để gửi đến Chính phủ, trong đó đề xuất 3 nhóm giải pháp để cứu doanh nghiệp.

Theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,8% số lượng doanh nghiệp của cả nước. Nhưng các doanh nghiệp này đang gặp hàng loạt khó khăn khi phải ngừng hoạt động, chi phí cao để thực hiện “3 tại chỗ”, gánh nặng chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội… Vì vậy, 11 lãnh đạo doanh nghiệp đã đồng viết đơn kiến nghị và đưa lên website, kêu gọi thu được 5.000 chữ ký online sẽ gửi đến Chính phủ.

Thực hiện "3 tại chỗ" là một lý do khiến chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.

Thực hiện “3 tại chỗ” là một lý do khiến chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.

Các doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ hỗ trợ 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế – chi phí và tài chính – ngân hàng.

Cụ thể, đối với các chính sách liên quan đến người lao động, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ bằng cách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất 6 tháng kể từ khi công bố hết dịch. Không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời gian xảy ra đại dịch.

Doanh nghiệp đề xuất miễn, giảm 100% mức đóng BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian phải ngừng hoạt động do dịch bệnh và giãn cách xã hội; có chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH tính đến thời điểm hiện tại.

Đối với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp mong muốn ​​sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2021, giảm 50% thuế GTGT trong 2 năm tiếp theo từ 2022 đến 2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN trong 3 năm liên tục kể từ khi công bố hết dịch.

Đồng thời, doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận mọi chi phí phát sinh trong đợt dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như chi phí xét nghiệm, chống dịch và “3 tại chỗ”.

Đối với nhóm kiến ​​nghị liên quan đến chính sách tài chính – ngân hàng, các doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ gói lãi suất ưu đãi tối thiểu 4%, tương đương với gói hỗ trợ năm 2008 – 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi thông báo kết thúc dịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc gặp khó khăn do mất khả năng thanh toán khi đại dịch kéo dài. Cho phép khoanh nợ gốc và giảm lãi suất 2-3% từ ngày 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Đến 22h ngày 29/8, văn bản này đã nhận được 407 chữ ký online và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên mạng xã hội.