VNReport»Kinh tế»Doanh thu giảm mạnh sau đại dịch, các hãng dược tìm hướng đi mới

Doanh thu giảm mạnh sau đại dịch, các hãng dược tìm hướng đi mới

14:15 - 10/02/2023

Khi thế giới dần hồi phục sau đại dịch, nhu cầu về thuốc và vaccine Covid-19 giảm khiến doanh thu của các hãng dược cũng theo đó lao dốc đáng kể.

Trong giai đoạn đại dịch, các hãng dược như Pfizer, BioNTech, Moderna, Gilead Science, AstraZeneca và Merck & Co từng “ăn nên làm ra” và kiếm được từ vài chục đến cả trăm tỷ USD nhờ vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, khi thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch, khả năng miễn dịch của cộng đồng tăng lên sẽ khiến nhu cầu về thuốc điều trị Covid-19 giảm xuống.

Từng đạt doanh thu kỷ lục 100,3 tỷ USD trong năm 2022, tuy nhiên, hãng dược phẩm Pfizer ước tính doanh thu của năm 2023 sẽ giảm tới 33%, xuống còn khoảng 67 – 71 tỷ USD. Doanh thu từ vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay của hãng ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 64% so với năm 2022, trong khi doanh thu từ thuốc Paxlovid ước đạt 8 tỷ USD, giảm 58%.

Doanh thu của các hãng dược giảm mạnh khi thế giới dần bước qua đại dịch Covid-19

Còn đối với Moderna, nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ cũng dự đoán doanh thu năm 2023 sẽ giảm mạnh. Sản phẩm vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA do hãng phát triển đã thu về khoảng 18,4 tỷ đô la trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định con số này sẽ giảm xuống còn khoảng 7 tỷ đô la trong năm 2023.

Hãng Merck cũng từng thu về 5,7 tỷ đô la từ việc bán thuốc Lagevrio trong năm 2022 song dự tính doanh thu từ dòng sản phẩm này của Merck sẽ giảm xuống dưới 1 tỷ đô la trong năm nay.

Tương tự, hãng dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) kiếm được 2 tỷ đô la trong năm 2022 từ các các loại thuốc kháng thể đơn dòng điều trị Covid. Tuy nhiên, hãng không kỳ vọng có thêm bất kỳ khoản doanh thu nào từ mảng kinh doanh này trong năm 2023.

Đối mặt với tình hình doanh thu tụt dốc, nhiều hãng dược đã phải tính đến hướng đi mới, trong đó có các thương vụ thâu tóm và đầu tư tiềm năng nhằm tạo ra đột phá cho doanh thu.

Đơn cử, Pfizer đã mua lại hãng công nghệ sinh học Global Blood Therapeutics – nhà sản xuất thuốc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm với giá 5,4 tỉ đô la và thâu tóm Biohaven Pharmaceutical – nhà sản xuất thuốc trị chứng đau nửa đầu, với giá 11,6 tỉ đô la hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, không phải hãng dược nào cũng biết sử dụng khối tiền khổng lồ thu được trong đại dịch để đầu tư cho tương lai. Nhà phân tích Hartaj Singh của Oppenheimer & Co cho biết, nhiều nhà đầu tư đang thất vọng vì Moderna đã không có những tính toán để ứng phó cho viễn cảnh doanh thu và thu nhập sẽ giảm mạnh trong năm 2023 hoặc 2024. Việc thụ động trong việc ứng phó tình hình mới cũng dẫn đến giá cổ phiếu của hãng không có hiệu suất tốt.

Theo các nhà phân tích, hướng đi mới mà các hãng dược có thể lựa chọn là các loại thuốc, vaccine điều trị ung thư từ công nghệ mRNA. Thực tế, từ lâu đã có vaccine để bảo vệ con người khỏi virus HPV gây ung thư cổ tử cung và vaccine chống viêm gan B – căn bệnh có thể dẫn đến ung thư gan. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, việc tạo ra vaccine ung thư vẫn thất bại và giới khoa học hy vọng công nghệ mRNA đi tiên phong trong vaccine Covid-19 có thể dẫn đến đột phá trong điều trị ung thư.

Tháng 12 năm ngoái, hãng dược phẩm Moderna và Merck đã công bố kết quả thử nghiệm ban đầu khả quan với vaccine mRNA được cá nhân hóa để điều trị cho bệnh nhân ung thư da. Moderna hiện cũng đang nghiên cứu sử dụng công nghệ này để sản xuất vaccine và các liệu pháp giúp điều trị, ngăn ngừa khối u ác tính tái phát.

Chính phủ Anh mới đây cũng tuyên bố sẽ hợp tác với công ty BioNTech của Đức để thử nghiệm vaccine mRNA điều trị ung thư. Vaccine sử dụng cho bệnh nhân giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.

Ngày 6/1 vừa qua, BioNTech cho biết sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới ở Anh, làm việc cùng phòng thí nghiệm Cambridge, đặt mục tiêu cung cấp 10.000 liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư từ tháng 9/2023 đến cuối năm 2029.

Trong khi đó, Sanofi cùng AstraZeneca đang trên đà sản xuất các loại vaccine hiệu quả chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV). Sanofi và AstraZeneca hy vọng loại vaccine này sẽ được FDA sớm chấp thuận.

Ở diễn biến khác, Pfizer và GSK cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua sản xuất vaccine truyền thống chống lại RSV và mong đợi sự chấp thuận của FDA vào cuối năm 2023. Ban đầu, vaccine của Pfizer sẽ được tiêm cho phụ nữ mang thai để bảo vệ con họ khỏi RSV; còn vaccine của GSK sẽ được tiêm cho người già.

Ngoài vaccine chống RSV, Pfizer chuẩn bị tung ra 19 sản phẩm mới trong vòng hơn 1 năm tới, trong đó có thuốc viêm loét đại tràng, thuốc trị chứng đau nửa đầu, viêm loét ruột già và một vài loại thuốc khác.

Aamir Malik, Giám đốc đổi mới kinh doanh của Pfizer cho biết hãng đang mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mở rộng, đồng thời họ cũng đang tìm kiếm các giao dịch có thể làm tăng tốc độ tăng trưởng trong nửa sau của thập kỷ và có thể tăng thêm giá trị đáng kể về mặt khoa học hoặc thương mại.