VNReport»Kinh tế»Doanh thu thuế từ TMĐT đạt hơn 78.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm nhưng chưa xứng với tiềm năng

Doanh thu thuế từ TMĐT đạt hơn 78.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm nhưng chưa xứng với tiềm năng

10:44 - 04/10/2024

Theo số liệu thì Tổng cục Thuế, trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển bùng nổ, doanh thu thuế tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhanh qua các năm.

Theo đó, doanh thu thuế tử TMĐT tại Việt Nam năm 2022 đã vượt mức thu đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 có mức thu đạt 97.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuế từ TMĐT của chúng ta đã thu về hơn 78.000 tỷ đồng. Đáng chú ý con số này không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội địa mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook, Amazon. Tuy nhiên, con số này lại chưa phản ánh đúng tiềm năng của TMĐT tại Việt Nam.

Đây là khẳng định của như PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế trong buổi tọa đàm về “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.

Được biết, buổi tọa đàm này quy tụ các chuyên gia như bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân thuộc Tổng cục Thuế; bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; và TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY. Các chuyên gia đã đưa ra các nhận định và giải pháp về việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

Tại toạ đàm, các chuyên gia đã khẳng định về sự phát triển của TMĐT trong những năm gần đây. Thương mại điện tử (Ecommerce/electronic commerce) là hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trên Internet. Tại Việt Nam, TMĐT ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ khi chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tính đến tháng 12/2023 theo Statista, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT  hàng đầu thế giới.

Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop… tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Thậm chí theo đánh giá của Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

Rõ ràng, TMĐT với tốc độ phát triển như hiện nay đã trở thành dộng lực quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Song, cơ chế quản lý và thu thuế chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường. Như PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Việc thu thuế từ các ông lớn như Google, Amazon… vẫn còn chưa tương xứng với doanh thu khổng lồ của họ trên thị trường Việt Nam”.

Tại buổi toạ đàm, Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân thuộc Tổng cục Thuế đã nhấn mạnh rằng Tổng cục Thuế đã đưa ra 6 giải pháp lớn nhằm tối ưu hóa công tác quản lý thuế, trong đó bao gồm việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về TMĐT và phối hợp chặt chẽ với các sàn giao dịch TMĐT để khấu trừ, khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, cân nhắc việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc quản lý rủi ro thuế, nhằm tăng cường hiệu quả giám sát các giao dịch trực tuyến.

Bà Lan Anh cũng chia sẻ, việc yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT nắm giữ và chia sẻ đầy đủ thông tin về người mua, người bán, doanh thu và chi phí sẽ là yếu tố mấu chốt giúp cơ quan thuế nắm bắt được toàn bộ quá trình giao dịch. Mô hình này không chỉ giảm gánh nặng tuân thủ đối với cá nhân mà còn giảm đáng kể chi phí hành chính.

Bên cạnh đó, để cơ chế quản lý thuế bắt kịp với tốc độ phát triển của TMĐT, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như blockchain và dữ liệu lớn (BigData) sẽ giúp sàng lọc và giám sát các giao dịch TMĐT một cách hiệu quả hơn. Đây là những công cụ giúp phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn thuế trong quá trình kinh doanh qua nền tảng số.

Ngành thuế cũng đang đòi hỏi một khung pháp lý mạnh mẽ hơn để đối phó với các doanh nghiệp quốc tế khi mà việc kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới đang là một thách thức lớn của ngành thuế.

TMĐT đang là một mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam, do đó, để nâng cao hiệu quả thu thuế, giảm thiểu thất thu thuế cũng như chặt chẽ hơn trong quản lý các hoạt động của TMĐT, việc áp dụng các giải pháp công nghệ và cơ chế quản lý rủi ro mới là cần thiết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp thậm chí là người tiêu dùng để thực hiện các giải pháp đồng bộ đã được đề xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

 

Theo: https://nguoiquansat.vn/thu-thue-tu-hoat-dong-tmdt-dat-hon-78-000-ty-dong-trong-7-thang-dau-nam-nhung-chua-xung-voi-tiem-nang-163366.html