VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Đời sống người dân Việt thay đổi như thế nào, nhìn những số liệu này sẽ rõ

Đời sống người dân Việt thay đổi như thế nào, nhìn những số liệu này sẽ rõ

06:32 - 11/05/2023

Các số liệu công bố mới đây cho thấy, cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong năm qua.

Xã hội ngày càng phát triển thì chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Điều này thể hiện khá rõ nét tại Việt Nam. Những thống kê về chất lượng cuộc sống của cư dân Việt Nam do Tổng Cục Thống kê công bố mới đây là một minh chứng rõ nét nhất.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2012 – 2022, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2022 là 98,3%, tăng 0,9 điểm % so với 2020 và tăng 7,3 điểm % so với năm 2012. Có 99,7% hộ thành thị và 97,4% hộ nông thôn có nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh tăng nhanh hơn ở khu vực nông thôn (năm 2022 tăng 1,2 điểm % so với 2020 và 8,6 điểm % so với năm 2012).

Cùng xu hướng với chất lượng nguồn nước sinh hoạt, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng nhanh theo thời gian. Tỷ lệ này năm 2022 là 96,2%, tăng 2,2 điểm % so với 2020 và 18,8 điểm % so với năm 2012. Mức độ tăng của tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh giai đoạn 2012-2022 tăng rất nhanh ở khu vực nông thôn từ 70% năm 2012 lên 94,3% năm 2022 (tăng 24,3 điểm %) cho thấy chất lượng hố xí của hộ gia đình đang được cải thiện một cách vượt bậc.

Xem xét hai tỷ lệ này theo 6 vùng trong giai đoạn 2012 – 2022 cho thấy khoảng cách giữa các khu vực đang được thu hẹp rất nhanh, tuy nhiên tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh luôn luôn thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (92,6% năm 2022) còn tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh hầu như thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (90,7% năm 2022). Do đó, các chính sách cải thiện trong giai đoạn tới cần tập trung chủ yếu tại hai vùng này.

Sử dụng điện sinh hoạt cũng là một trong số các chiều quan trọng phản ánh đời sống cư dân. Kết quả khảo sát cho thấy điện lưới quốc gia đã phủ sóng gần như đến từng hộ gia đình, vùng miền, từ năm 2012 tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đã đạt mức 97,6%, đến năm 2020 và 2022 cùng đạt 99,5%, trong đó gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị – nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương.

Sử dụng đồ dùng lâu bền phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng là một khía cạnh phản ánh chất lượng đời sống hộ gia đình. Theo kết quả khảo sát, năm 2022, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 3 (nhóm trung bình) trở lên.

Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ gia đình có đồ dùng lâu bền tăng dần trong giai đoạn từ 2012 – 2020 và giảm nhẹ trong năm 2022. Năm 2022 trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ là hơn 84 triệu đồng, giảm gần 3,7 triệu đồng so với năm 2020.

Việc mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua cũng phản ánh mức độ thay thế và bổ sung thêm tài sản, thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống hộ gia đình. Năm 2022, tỷ lệ hộ có mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua là 23,9%, giảm 10,5 điểm % so với năm 2020.

Tỷ lệ này tiếp tục giảm cùng xu hướng với năm 2020 (năm 2020 giảm 9,8 điểm % so với 2018) cho thấy dường như những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới hành vi chi tiêu của hộ gia đình. Hộ thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những khoản chi mua tài sản có giá trị tương đối lớn như đồ dùng lâu bền. Có thể thấy, việc mua mới đồ dùng lâu bền bị cắt giảm ở cả hai khu vực thành thị (giảm 9,3 điểm %) và nông thôn (giảm 11,1 điểm %), ở tất cả các vùng và các nhóm thu nhập so với năm 2020.

Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua giảm đi nhưng trị giá đồ dùng lâu bền mua mới vẫn tăng lên. Năm 2022, trị giá đồ dùng lâu bền mua mới bình quân một hộ có mua trong 12 tháng qua đạt hơn 46 triệu, tăng hơn 16 triệu (gấp 1,6 lần) so với năm 2020. Điều này cho thấy trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu, với số ít các hộ gia đình mua sắm mới đồ dùng lâu bền năm 2022, hộ vẫn ưu tiên mua sắm các đồ dùng có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu dài.

Về số lượng, một số loại đồ dùng lâu bền chủ yếu trên 100 hộ năm 2022 có xu hướng tăng so với 2020 như xe máy (165 so với 156), điện thoại (246 so với 210), tủ lạnh (95 so với 85), máy giặt (60 so với 54), máy điều hòa (68 so với 51) và bình tắm nước nóng (52 so với 43).

Sự gia tăng đáng kể số lượng đồ dùng lâu bền trong hộ gia đình cho thấy đời sống của hộ dân cư ngày càng được cải thiện, hiện đại và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, số lượng đồ dùng lâu bền (ô tô, máy vi tính, máy điều hòa nhiệt độ, bình tắm nước nóng) trên 100 hộ của các hộ dân cư thuộc nhóm nghèo nhất thấp hơn nhiều so với hộ thuộc nhóm giàu nhất phản ánh chênh lệch đáng kể về điều kiện sinh hoạt giữa các hộ gia đình.

Ngày nay với quan niệm “nhà là nơi để về”, nhà ở có vai trò vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với tất cả các hộ gia đình. Chất lượng nhà ở được quyết định bởi diện tích và kết cấu của nhà ở.

Kết quả khảo sát cho thấy giai đoạn 2012 – 2022, chất lượng nhà ở của các hộ gia đình nước ta được nâng cao rõ rệt. Năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2, tăng 1,9 m2 so với năm 2020 và tăng 9,3 m2 so với năm 2012.

Về kết cấu nhà ở, năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 96,8%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (6,3% nhà thiếu kiên cố và 1,9 % nhà đơn sơ) và Trung du và miền núi phía Bắc (6,3% nhà thiếu kiên cố và 3% nhà đơn sơ).