VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Đơn hàng thực phẩm tươi sống trên sàn thương mại điện tử tăng vọt

Đơn hàng thực phẩm tươi sống trên sàn thương mại điện tử tăng vọt

13:59 - 19/09/2024

Sau khi cơn bão số 3 đi qua và để lại nhiều hậu quả nặng nề, các sàn TMĐT này đã ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây. Theo thống kê, các mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, hoa quả nhập khẩu…

Mới đây, báo cáo về hành vi mua sắm của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra người tiêu dùng Việt Nam đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023.

Theo đó, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, đồng thời báo cáo cũng chỉ ra người Việt dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để “dạo chợ” mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt. Thậm chí, trung bình mỗi người sử dụng 2 – 3 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. Đại diện NielsenIQ cũng khẳng định, “Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%”.

Cụ thể, trong quý I/2024, người tiêu dùng Việt Nam mua trung bình 6,5 loại sản phẩm. Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang – thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa…

Đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây

Đáng chú ý, nghiên cứu trong quý I/2024 của đơn vị này cũng chỉ ra, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Người tiêu dùng trên mạng không còn quá quan tâm đến giá cả hay nguồn gốc của sản phẩm. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%). Hành vi mua sắm này được thể hiện rõ trong cơn bão số 3 vừa qua.

Theo đó, dạo quanh các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok hay trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…, không khó nhận ra các trang mạng xã hội và sàn TMĐT này đều bán các mặt hàng thực phẩm, đa dạng, phong phú, từ đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp đến đồ tươi, sống. Chỉ cần có điện thoại thông minh trong tay, người tiêu dùng có thể mua mọi thứ và được giao đến tận nhà. Sau khi cơn bão số 3 đi qua và để lại nhiều hậu quả nặng nề, các sàn TMĐT này đã ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây. Theo thống kê, các mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, hoa quả nhập khẩu…

Thực tế, khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn sẽ bị ách tắc do việc di chuyển bị hạn chế. Khi thị trường khan hiếm, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão, tâm lý người tiêu dùng, có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng. Chưa kể đến, sau mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do bảo quản thực phẩm chưa đúng cách hoặc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Trên các trang mạng xã hội và sàn TMĐT, không ít địa chỉ bán hàng online là các cơ sở nhỏ lẻ theo mô hình gia đình không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với nhu cầu của người tiêu dùng, mua bán thực phẩm trên không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Liên quan vấn đề này, tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại”, bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, hiện nay người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận nhà. Song cùng với tiện ích nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT&TT… đăng tải các thông tin, bài viết để tuyên truyền người dân trong giai đoạn này nên cẩn thận lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử…

https://vneconomy.vn/mua-ban-su-dung-thuc-pham-an-toan-sau-bao-lu.htm