VNReport»Kinh tế»Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu tăng trưởng trên 7% vào năm 2022

Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu tăng trưởng trên 7% vào năm 2022

00:44 - 16/09/2021

Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 7,17% dù dự báo khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng kinh tế âm trong năm nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đợt dịch lần thứ tư bùng phát có tốc độ lây lan nhanh từ cuối tháng 6/2021, các tỉnh, thành phía Nam phải tiến hành giãn cách xã hội kéo dài nhiều ngày làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế.

Riêng vùng Đông Nam Bộ bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19. Nếu trong 6 tháng đầu năm, GRDP vùng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương có mức tăng trưởng khá là TP HCM (5,46%), Bình Dương (7,23%), Đồng Nai (5,74%), Tây Ninh (hơn 7%). Mức tăng tập trung vào khu vực công nghiệp.

Tuy nhiên, tính chung cả 8 tháng của năm 2021, đà tăng trưởng đã chững lại do các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút do giãn cách xã hội toàn vùng. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 vùng Đông Nam Bộ là -0,13%.

Khu vực ĐBSCL đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,17% trong năm 2022

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tốc độ tăng trưởng bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt 4,5%. Bước sang tháng 8/2021, tốc độ tăng trưởng chung của đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm do các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ vì các địa phương thực hiên giãn cách xã hội.

Mặc dù sản xuất, kinh doanh tại 2 vùng kinh tế lớn là Đông Nam Bộ và ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,17%, bình quân đầu người đạt 65,26 triệu đồng/người.

Về cơ cấu kinh tế, ĐBSCL đặt mục tiêu Nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 30,29%, Công nghiệp-xây dựng: 28,13%, Dịch vụ: 37,61%, thuế và trợ cấp sản phẩm: 3,97%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 21,512 tỉ USD. Thu ngân sách khoảng 97.801 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 427.659,53 tỉ đồng.

Để đạt các mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, ĐBSCL sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với ưu tiên cao nhất là kiểm soát được dịch bệnh càng sớm càng tốt. Đồng thời vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Chuẩn bị các điều kiện để cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại ngay sau khi từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; tập trung tháo gỡ việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…