VNReport»Kinh tế»Tài chính»Đồng USD mạnh đẩy euro xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ

Đồng USD mạnh đẩy euro xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ

10:18 - 06/07/2022

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế ở châu Âu và những nơi khác mờ nhạt, nhà đầu tư đang đổ xô vào đồng USD, khiến giá đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm so với hàng loạt các đồng tiền chủ chốt khác.

Cuộc đổ xô của giới đầu tư vào USD đẩy tiền tệ trên khắp thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ở khắp nơi diễn biến tiêu cực do giá năng lượng tăng vọt.

Đồng euro chạm mức thấp nhất trong gần 20 năm so với đồng USD sau khi giá khí đốt tự nhiên và giá điện tăng trên lục địa. Giới giao dịch ngoại hối lo ngại nền kinh tế của châu Âu có thể sụp đổ nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên được sử dụng để sưởi ấm nhà cửa, phát điện và vận hành các nhà máy. Giá năng lượng tiếp tục được thúc đẩy bởi đình công ở các mỏ khí đốt lớn tại Na Uy.

Đồng tiền chung của Liên minh châu Âu giảm tới 1,5% so với USD và giao dịch ở mức 1,0265 USD – thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2002, theo FactSet. Sự sụt giảm của đồng euro – cũng như sức mạnh của đồng USD – khiến một số ý kiến cho rằng 2 đồng tiền có thể ngang giá trong năm nay.

Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ cuối năm 2002. Nguồn: TradingView.

Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ cuối năm 2002. Nguồn: TradingView.

Đồng USD cũng tăng so với đồng franc Thụy Sĩ và yên Nhật – 2 loại tiền tệ quan trọng thường thu hút các nhà đầu tư vào những thời điểm không chắc chắn. Đồng yên giảm xuống gần 136 so với USD, gần với mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ rộng lớn của đợt tăng giá đồng USD, Chỉ số Dollar của ICE – đo lường đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ – đạt mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ, nâng mức tăng trong năm lên gần 11%. Sự biến động của Chỉ số Dollar, nếu được duy trì đến cuối năm, sẽ là mức lớn nhất kể từ năm 2014, theo FactSet.

Nền tảng sức mạnh của đồng USD là do thị trường đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm hơn các ngân hàng trung ương khác trong việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ có triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt hơn hầu hết các nước khác và có nhiều vùng đệm hơn để chống chọi với suy thoái toàn cầu – thông qua thị trường việc làm tốt và mức tiết kiệm cao.

Thông thường, các loại tiền tệ trên thị trường ngoại hối tăng lên và hạ xuống theo từng bước nhỏ mỗi ngày. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát tăng vọt và các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách với tốc độ khác nhau khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn.

Đồng USD mạnh lên có thể có tác động đến các nhà đầu tư Mỹ, khiến thu nhập ở nước ngoài của các công ty Mỹ trở nên kém giá trị hơn. Nó cũng gây khó khăn trong trả nợ cho các công ty nước ngoài vay bằng USD nhưng tạo doanh thu bằng đồng nội tệ. Các biến động lớn về tiền tệ cũng làm xói mòn niềm tin kinh doanh, khiến các nhà quản lý khó dự báo chi phí và nhu cầu.

Đồng USD mạnh cũng có xu hướng đè nặng lên giá hàng hóa, được tính bằng USD và trở nên đắt hơn đối với nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến nhu cầu. Các mặt hàng dầu mỏ, đồng và nông sản đều giảm giá khi đồng USD tăng giá.

Sự sụt giảm của đồng euro phản ánh sự khó khăn mà nền kinh tế châu Âu phải đối mặt, mắc kẹt giữa lạm phát cao và khả năng suy thoái ngày càng tăng. Giá năng lượng cao đã tác động vào các trung tâm sản xuất của Châu Âu ở Đức và Ý.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên rõ ràng hơn trong những ngày gần đây. Chính phủ Đức tiến gần hơn đến việc phân phối khí đốt tự nhiên theo định mức sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho nước này. Uniper SE – một trong những công ty tiện ích lớn nhất châu Âu – đang thảo luận với chính phủ Đức về một gói cứu trợ. Tuần trước, công ty cho biết lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng bởi động thái của Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Đồng tiền yếu hơn giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực thông qua giảm giá các mặt hàng này trên thị trường quốc tế. Nhưng đồng euro yếu cũng có thể làm tăng lạm phát vì nó làm tăng giá nhập khẩu – đặc biệt là đối với năng lượng. Đó là một vấn đề khi lạm phát của khu vực đồng euro đang ở mức cao kỷ lục 8,6%, đặc biệt là khi giá năng lượng và hàng hóa thường được tính theo USD.

Không chỉ làm tăng lạm phát, thiếu hụt năng lượng còn bị lo ngại gây ra cắt giảm việc làm, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Những lo ngại đó khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác bao gồm cả Fed.

Các quan chức của ECB báo hiệu rằng họ sẽ tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng này, lên -0,25% và có thể tăng nhanh hơn vào tháng 9. Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5% trong tháng này. Lạm phát đã đạt trên 8% ở cả 2 khu vực.

Khoảng cách lãi suất xuyên Đại Tây Dương ngày càng tăng có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ euro so với USD, cũng như bảng Anh. Đồng tiền của Anh lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,20 USD kể từ năm 2020.