VNReport»Kinh tế»Tài chính»Đồng yen rơi xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với USD

Đồng yen rơi xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với USD

21:59 - 15/10/2022

Đồng yên giảm trở lại sau hành động can thiệp vào cuối tháng 9 của chính phủ và ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Đồng yên rơi xuống dưới 148 đổi 1 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tại New York – chạm mức thấp nhất trong 32 năm khi các nhà giao dịch dự báo viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay hơn nữa.

Đồng tiền của Nhật Bản tiếp tục giảm giá sau khi rơi xuống mức 147 một ngày trước đó. Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ vào thứ Sáu giảm trong kỳ vọng của thị trường, tạo lực đẩy cho đồng USD vốn đã mạnh.

Đồng yên rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990. Nguồn: TradingView.

Đồng yên rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990. Nguồn: TradingView.

Việc đồng yên bị bán tháo liên tục làm tăng khả năng chính phủ Nhật Bản can thiệp sâu hơn, nhưng Tokyo vẫn chưa thông báo thêm hành động mới nào.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen báo hiệu Mỹ không có ý định tham gia một cuộc can thiệp phối hợp để kiềm chế đồng USD. Bà nói rằng “tỷ giá hối đoái do thị trường xác định là chế độ tốt nhất cho đồng USD, đó là điều chúng tôi đang ủng hộ”.

Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối vào ngày 22/9 để nâng giá đồng yên lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ và bày tỏ lo ngại về sự biến động nhanh chóng của đồng yên. Nhưng các nhà giao dịch không chắc chắn rằng mức giảm nào của đồng yên sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách can thiệp một lần nữa.

Biến động bất thường của đồng yên trong phiên giao dịch hôm thứ Năm làm dấy lên đồn đoán rằng Tokyo đã can thiệp để bảo vệ đồng tiền của mình một lần nữa. Hôm thứ Sáu, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính không trả lời rõ câu hỏi này, nói rằng “có những lúc chúng tôi sẽ nói về nó, và có những lúc thì không”. Đây là một sự tương phản rõ rệt với sự can thiệp vào ngày 22/9 để nâng giá đồng yên, mà Masato Kanda – Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản về các vấn đề quốc tế – xác nhận trong một cuộc họp báo ngay sau đó.

Sự mơ hồ có chủ ý này được coi là một chiến lược để giữ chân các nhà đầu tư. Nếu chính phủ đưa ra câu trả lời rõ ràng, thì câu trả lời “không” có thể trở thành lý do để họ bán nhiều hơn.

Động thái can thiệp 2,8 nghìn tỷ yên vào tháng 9 để hỗ trợ đồng yên là sự can thiệp lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản. Nó đưa giá trị đồng tiền từ 145 yên đổi 1 USD lên 140 yên. Nhưng “thực tế là tác động của một đợt can thiệp trị giá 2,8 nghìn tỷ yên đã tan biến trong 3 tuần”, theo Daisaku Ueno – trưởng chiến lược gia ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities.