VNReport»Kinh tế»Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2024 đạt 27,5 – 28 tỷ USD

Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2024 đạt 27,5 – 28 tỷ USD

10:40 - 20/09/2024

Thương mại điện tử đang ngày càng trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới.

Theo đó, báo cáo từ Metric cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 8, tổng doanh thu từ 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo) đạt 27.729 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,13% so với tháng 7 (26.889 tỷ đồng).

Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo là những sàn TMĐT được ưa chuộng tại Việt Nam

Cụ thể, tháng 8 có có 354.835 shop tham gia bán hàng trên 5 sàn TMĐT, giảm 7.32% so với con số 382.875 shop của tháng 7. Mặc dù có sự sụt giảm về số lượng shop nhưng tổng doanh thu trong tháng vẫn tăng. Điều này chứng tỏ thị trường có sự sàng lọc với những shop có hiệu quả thấp, không có sức cạnh tranh, chủ yếu là các nhà bán nhỏ lẻ rút lui khỏi cuộc đua. Trong khi đó, các shop còn lại đã giữ vững tổng doanh số bằng cách hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong tháng 8 có 298.691.142 đơn vị sản phẩm được giao thành công, tăng trưởng khoảng 5,6% so với tháng trước (282.712.687 sản phẩm). Điều này cho thấy sự cải thiện đáng kể trong việc xử lý đơn hàng của các sàn TMĐT và vận hành logistics, giúp giảm thời gian giao hàng đồng thời tăng độ tin cậy của các sàn TMĐT đối với người mua. Đây là một dấu hiệu tích cực, không chỉ thể hiện nhu cầu tiêu dùng ổn định và sức hút của các nền tảng TMĐT trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt mà còn cho thấy sự lắng nghe, tiếp thu và cải thiện của các sàn TMĐT so cho phù hợp với nhu cầu của người dùng. Đáng chú ý, Metric cũng dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2024 đạt 27,5 – 28 tỷ USD.

Trước đó, năm 2023, doanh thu TMĐT tại Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Riêng trong quý II/2024, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến đạt khoảng 85.000 tỷ đồng với trên 900 triệu sản phẩm được bán ra. Các lĩnh vực nổi bật đóng góp phần lớn vào doanh thu phải kể đến: thời trang và làm đẹp, thực phẩm và đồ uống, điện tử và công nghệ.

Báo cáo của quý I cho thấy, người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm online đối với tất cả các loại hàng hoá như sản phẩm nhà cửa đời sống, đồ điện tử thậm chí là cả thực phẩm, sản phẩm nông sản. Họ chi mạnh tay với các sản phẩm giá trị cao như máy chiếu, robot hút bụi, điện thoại, các sản phẩm làm đẹp… Trong đó, làm đẹp vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với sức mua cao nhất đạt đến 11.250 tỷ đồng.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày nay đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường. Nó bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát… Các dịch vụ này đều có sự kết nối tạo thành một thể thống nhất, giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng hiện nay không chỉ kỳ vọng vào giá cả mà còn quan tâm đến thời gian giao hàng và dịch vụ hậu mãi. Dễ thấy, các sàn thương mại điện tử được ưa chuộng như Shopee hay TikTok shop đã chú trọng đến chính sách đổi trả, bảo hành sản phẩm, từ đó đảm bảo quyền lợi của người mua, xây dựng niềm tin và sự hài lòng của khách hàng. Đây cũng là một trong các yếu tố chính khiến tỷ lệ quay lại mua sắm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng cao.

Nhiều sàn thương mại điện tử đã kết hợp với các đối tác tài chính để cung cấp các dịch vụ trả góp

Bên cạnh đó, sự phổ biến của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử, thẻ tín dụng, và chuyển khoản ngân hàng cũng góp phần tạo thuận lợi cho quá trình mua sắm, thúc đẩy mua sắm trên sàn TMĐT. Thậm chí ngày nay, nhiều sàn thương mại điện tử còn kết hợp với các đối tác tài chính để cung cấp các dịch vụ trả góp, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm dễ dàng hơn.

Ngoài ra, thiết bị di động thông minh cũng phần nào tác động đến hành vi mua sắm trên mạng của người tiêu dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm qua mạng dễ dàng tiếp cận với các chương trình khuyễn mãi khi tham gia mua sắm trên mạng. Khảo sát cho thấy, người tiêu dùng ưa chuộng việc mua sắm qua mạng không chỉ vì sự tiện lợi, mà còn vì họ có thể dễ dàng so sánh giá cả và tìm kiếm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Dự báo trong những tháng cuối năm tới đây, với các dịp mua sắm lớn như ngày lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, thị trường TMĐT tại Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đón nhận đợt tăng trưởng mới, bùng nổ về doanh số. Do đó, các nhà bán lẻ cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, chuẩn bị các chương trình khuyến mại hấp dẫn, đồng thời sẵn sàng cho những thách thức về mặt cạnh tranh và thay đổi hành vi tiêu dùng. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm nay có thể đạt 27,5 – 28 tỷ USD.

Theo: https://vnbusiness.vn/thi-truong/du-bao-doanh-thu-thuong-mai-dien-tu-nam-2024-dat-27-5-28-ty-usd-1102438.html