VNReport»Kinh tế»Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 khoảng 3,5%

Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 khoảng 3,5%

17:42 - 04/01/2023

Chuyên gia kinh tế dự báo năm 2023 lạm phát của Việt Nam nhích tăng nhẹ so với năm 2022, quanh mức 3,5%.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, lạm phát chỉ tăng 3,15%, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu là 4% và cũng khá thấp nếu so với các nước phát triển.

Nhận định về lạm phát năm 2023, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn bởi các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

Áp lực lạm phát năm 2023 được dự báo không quá lớn

Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng liền trước. Nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi. Vị chuyên gia này dự báo lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới sẽ tác động khá lớn đến nền kinh tế Việt Nam và đến lạm phát trong năm 2023. Lạm phát của Việt Nam sẽ còn tăng do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn… Do vậy dự báo, CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4% – 4,5%.

Còn chuyên gia kinh tế – tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra hai kịch bản. Nếu tình hình kinh tế – xã hội của thế giới vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hoặc suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2% – 6,7%, thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% – 3,7%.

Trường hợp còn lại, khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức 3,8% – 4,1% nếu tình hình kinh tế – xã hội thế giới được cải thiện, giá cả các mặt hàng ổn định, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội và Chính phủ có các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt và thích hợp. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mức 6,8% – 7,5%.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra, các chuyên gia cho rằng cần triển khai động bộ các giải pháp, đưa ra phân tích, dự báo sát tình hình thực tiễn trong và ngoài nước, chủ động đưa ra giải pháp phù hợp cho cả trước mắt và lâu dài.

Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thanh Nga kiến nghị, với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện), các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.