VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Du lịch kỳ nghỉ lễ 2/9 sa sút so với năm ngoái

Du lịch kỳ nghỉ lễ 2/9 sa sút so với năm ngoái

10:21 - 07/09/2023

Lượng khách du lịch kỳ nghỉ lễ năm nay đạt 2,5 triệu lượt, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục du lịch, nguyên nhân là do người dân thắt chặt chi tiêu và thời tiết xấu.

Cả nước phục vụ khoảng 2,5 triệu khách du lịch trong 4 ngày từ 1 đến 4/9, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch. Con số này giảm khoảng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.

“Hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc, tuy nhiên không bùng nổ như các kỳ nghỉ trước trong năm”, Tổng cục Du lịch nhận xét.

Công suất phòng trung bình tại các cở sở lưu trú du lịch đạt 55%, giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái. Riêng ngày 1 và 2/9, công suất phòng trung bình đạt trên 60%.

Hai đô thị lớn TP HCM và Hà Nội dẫn đầu về lượng khách du lịch dịp Quốc khánh.

Hai đô thị lớn TP HCM và Hà Nội dẫn đầu về lượng khách du lịch dịp Quốc khánh.

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm so với năm ngoái, Tổng cục Du lịch cho biết người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp. Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp với mưa lớn và ảnh hưởng của bão số 3 tác động đến hoạt động du lịch, đặc biệt tại khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

TP HCM dẫn đầu về lượng khách trong 4 ngày nghỉ, ước tính đón và phục vụ 960.000 lượt khách, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 80%. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội xếp thứ hai, ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

Một số địa phương khác ghi nhận lượng khách du lịch tăng cao như: Khánh Hòa (tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái), Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng 36,5%), Quảng Ninh (tăng 150%), Thanh Hóa (tăng 26,6%) …

Một số địa phương ghi nhận lượng khách du lịch giảm. Đặc biệt là Kiên Giang với lượng khách giảm 32,9% so với cùng kỳ. Công suất bình quân các cơ sở lưu trú đạt 27%, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt trên 153 tỷ đồng. Yếu tố thời tiết không thuận lợi có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng vắng khách ở địa phương này.

Tổng cục Du lịch cho rằng điểm sáng năm nay là du khách miền Nam tỏ ra quan tâm và chuyển hướng lựa chọn sang các sản phẩm du lịch ngắn ngày để trải nghiệm mùa lúa chín và văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao tại các điểm đến ở khu vực miền núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu … Điều này chứng tỏ hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch liên vùng bước đầu đã đi vào chiều sâu, có hiệu quả.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch văn hóa tại một số điểm di tích như ở các cao nguyên Măng Đen, Kon Tum và dọc các vùng di sản miền Trung cũng đang ghi nhận dấu hiệu tích cực, thu hút chủ yếu khách du lịch gia đình và nhóm nhỏ.

Với các nhóm khách lựa chọn loại hình du lịch “staycation” (đi ngay trong thành phố nơi mình ở) hoặc “drivecation” (du lịch lái xe tự túc) thì sản phẩm được ưa chuộng nhất là tham quan các di tích lịch sử.

Đồng thời, nhiều địa phương tổ chức lễ hội, sự kiện nghệ thuật nhân dịp nghỉ lễ. Ví dụ, Hà Nội tổ chức chương trình diễu hành “Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội lần thứ nhất năm 2023” tại các tuyến phố cổ và chùm chương trình nghệ thuật chào mừng 78 năm Quốc khánh tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm.