VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Đức, Áo sẽ phân phối khí đốt theo định mức

Đức, Áo sẽ phân phối khí đốt theo định mức

16:59 - 31/03/2022

Đức và Áo chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp sau khi từ chối chấp nhận yêu cầu của Nga thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Đức và Áo đã thực hiện những bước đầu tiên tiến đến khả năng phân phối khí đốt theo định mức, khi nguồn cung từ Nga có thể bị cắt do tranh cãi về cách thanh toán.

Nếu nguồn cung thiếu hụt và nỗ lực giảm tiêu thụ không thành công, chính phủ Đức sẽ cắt một phần ngành sản xuất khỏi mạng lưới khí đốt quốc gia và ưu đãi cho các hộ gia đình.

Nga nhấn mạnh rằng tất cả những nước mua khí đốt tự nhiên “không thân thiện” phải trả bằng đồng rúp thay vì bằng euro hoặc USD. Nhưng trong cuộc gọi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tối thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin ám chỉ có thể có thỏa hiệp. Theo đó, những khoản thanh toán của khách hàng châu Âu có thể tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro – miễn là qua Gazprombank, ngân hàng không bị EU trừng phạt.

Đức và các nước G7 từ chối sử dụng đồng rúp để mua khí đốt, cho biết họ sẽ tiếp tục thanh toán bằng các loại tiền tệ được quy định trong hợp đồng cung cấp.

Khi cuộc đàm phán để giải quyết bế tắc tiếp tục diễn ra giữa Nga và EU, các hợp đồng tương lai gắn với TTF, chuẩn giá khí đốt của châu Âu, tăng 9% lên 118 euro/megawatt-giờ do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.

Mặc dù Anh chỉ mua khí đốt của mình từ Nga, nhưng cú sốc nguồn cung ở châu Âu sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Giá loại nhiên liệu này ở Anh tăng 6% trong cùng thời gian.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức nói chung và EU nói riêng.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức nói chung và EU nói riêng.

EU và Nga đã thảo luận về khả năng sử dụng cơ chế hoán đổi đồng rúp và euro, có thể tránh việc buộc khách hàng doanh nghiệp mua đồng rúp từ ngân hàng trung ương Nga. Thay vào đó, các khoản thanh toán sẽ được chuyển qua Gazprombank. “Không bên nào sẵn sàng từ bỏ, vì vậy sẽ có một khuôn khổ mà cả 2 bên đều có thể chấp nhận được”, theo một người biết về vấn đế này.

Chính phủ Đức cho biết Scholz không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào trong cuộc điện đàm với Putin nhưng yêu cầu có thêm thông tin. Trước đó, Robert Habeck – Bộ trưởng Kinh tế Đức – đã kích hoạt “giai đoạn cảnh báo sớm” của luật khẩn cấp về khí đốt được áp dụng để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Trong giai đoạn đó – giai đoạn đầu trong 3 giai đoạn phản ứng khẩn cấp – một nhóm từ Bộ kinh tế, cơ quan quản lý và khu vực tư nhân sẽ giám sát việc nhập khẩu và lưu trữ khí đốt.

Áo cho biết nước này cũng sẽ thực hiện giai đoạn đầu tiên của kế hoạch dự phòng khẩn cấp quốc gia 3 giai đoạn, với kỳ vọng “cụ thể và đáng tin cậy” rằng nguồn cung khí đốt giảm đáng kể trong những tuần tới. Nga cung cấp 80% nhu cầu khí đốt trong nước của Áo và quốc gia này là một trong những khách hàng nhập khẩu khí đốt của Nga lớn nhất châu Âu.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp của Áo,” Karl Nehammer, thủ tướng của nước này, cho biết tại một cuộc họp báo ở Vienna.

Volker Wieland – giáo sư kinh tế tại Đại học Frankfurt và là thành viên của hội đồng cố vấn kinh tế Đức – cho biết việc ngừng cung cấp năng lượng của Nga sẽ tạo ra nguy cơ “đáng kể” về suy thoái và đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu “tiến gần mức lạm phát 2 con số”. Nếu không có năng lượng nhập khẩu từ Nga, tỷ lệ lạm phát của Đức có thể tăng lên từ 7,5 đến 9%, các nhà kinh tế tư vấn cho chính phủ Đức dự báo.

Habeck cho biết quyết định cảnh báo sớm được đưa ra dựa trên luật của Nga, trong đó quy định rằng các khoản thanh toán cho khí đốt được thực hiện bằng đồng rúp. “Chúng tôi không chấp nhận việc vi phạm hợp đồng [đơn phương]”, Habeck nhắc lại.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết: “Đây là một nỗ lực khác của Nga nhằm nâng đỡ đồng rúp đang sụp đổ của mình”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga cũng nên xem xét bán nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn bằng đồng rúp, chẳng hạn như ngũ cốc, phân bón, kim loại, gỗ và dầu.

EU đặt mục tiêu lấp đầy các kho chứa khí đốt lên 80% công suất vào đầu tháng 11 tới để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông, mức mà Đức đã không đạt được vào năm ngoái. Các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện chỉ đầy khoảng 26,5%, sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 năm là 24,6% trong tháng này, theo Gas Infrastructure Europe.

Theo các nhà phân tích, những nước mua khí đốt ở châu Âu có thể có ít nhất 1 tháng trước khi việc thanh toán bằng đồng rúp trở nên bắt buộc. Việc giao khí đốt trong tháng 3 đã thực hiện và sẽ được thanh toán trong những ngày tới. Các khoản thanh toán cho hầu hết đợt giao hàng vào tháng 4 không đến hạn cho đến đầu tháng 5.

Hôm qua, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước ông có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay và chấm dứt nhập khẩu than vào cuối tháng 5.