VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả lộ diện, người tiêu dùng hoang mang

Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả lộ diện, người tiêu dùng hoang mang

10:24 - 14/04/2025

Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam vừa rung lên hồi chuông cảnh báo về một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn, với số lượng lên tới gần 600 loại sản phẩm gồm sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Thông tin này đã gây ra sự hoang mang và lo lắng tột độ trong cộng đồng người tiêu dùng, đồng thời cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý chất lượng và kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng.

Nguồn tin từ Báo Lao Động cho thấy, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà cùng 6 người khác vì liên quan đến một đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả. Theo đó, Cường và Hà được xác định là chủ mưu, đã thành lập hai công ty gồm Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, với mục đích tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Cụ thể, từ tháng 8 năm 2021, Cường và Hà nhận thấy nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sữa bột, và đã sản xuất tới 573 loại sữa bột khác nhau, bao gồm các loại dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai. Mặc dù quảng cáo sản phẩm có chứa các thành phần như chiết xuất tổ yến và đông trùng hạ thảo, nhưng thực tế không có các chất này. Các nghi phạm đã thay thế một số nguyên liệu và bổ sung chất phụ gia, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp hơn 70% so với công bố, đủ để coi là hàng giả.

Đặc biệt, nhóm sản xuất sữa giả đã nhắm đến những đối tượng nhạy cảm như người tiểu đường, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai, gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng. Dữ liệu từ hệ thống đăng ký doanh nghiệp cho thấy Rance Pharma được thành lập vào tháng 8-2021, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, trong đó Cường góp 7 tỷ đồng.

Hàng trăm loại sữa đã được đường dây này sản xuất, bán ra thị trường thu lời bất chính gần 500 tỉ đồng

Công ty này đã liên tục tăng vốn trong năm 2024, từ 10 tỷ lên 52 tỷ đồng chỉ trong vài tháng. Vào tháng 8-2024, người đại diện pháp luật của công ty đã chuyển sang cho Nguyễn Thành Luân, người cũng bị khởi tố trong vụ án.

Hacofood Group, một công ty khác trong đường dây sản xuất sữa giả, được thành lập vào tháng 4-2022, có vốn điều lệ ban đầu cũng là 10 tỷ đồng. Cường và Luân là những cổ đông chính. Hacofood Group chỉ tăng vốn một lần từ 10 tỷ lên 15 tỷ đồng kể từ khi thành lập.

Cơ quan điều tra xác định rằng Cường và Hà còn liên kết với nhiều đối tượng khác để thành lập 9 công ty, tạo thành một hệ sinh thái nhằm kinh doanh và phân phối các sản phẩm sữa giả, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm. Tuy nhiên, các hoạt động tài chính và kế toán của Rance Pharma và Hacofood Group có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người tiêu dùng phẫn nộ và lo ngại bởi rất có thể họ đã sử dụng sản phẩm sữa giả này. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh các loại sữa mà họ và con cái đang sử dụng, và đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ. Vụ việc hiện vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

https://laodong.vn/y-te/duong-day-san-xuat-gan-600-loai-sua-gia-lo-dien-nguoi-tieu-dung-hoang-mang-1490624.ldo