VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Đường sắt cao tốc Bắc – Nam có vốn đầu tư lớn như thế nào so với những dự án giao thông trên thế giới?

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam có vốn đầu tư lớn như thế nào so với những dự án giao thông trên thế giới?

14:34 - 12/05/2025

Với vốn đầu tư dự kiến 61 tỷ USD, đây sẽ là một trong những dự án giao thông đắt đỏ nhất thế giới.

Gần đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed có văn bản gửi Chính phủ về kế hoạch đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của công ty.

VinSpeed là công ty do ông Vượng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, hoạt động từ đầu tháng 5.

Trong văn bản, VinSpeed đề xuất làm nhà đầu tư trực tiếp của dự án, thay cho hình thức đầu tư công hay đối tác công tư (PPP).

Doanh nghiệp của ông Vượng đề xuất chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương khoảng 12,27 tỷ USD bằng nguồn vốn tự có và tự huy động.

Phần còn lại, khoảng 49,08 tỷ USD, VinSpeed đề xuất Nhà nước cho vay không lãi suất trong thời hạn 35 năm.

Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang ở Mỹ. Ảnh: Donald Miralle/Getty Images.

Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang ở Mỹ. Ảnh: Donald Miralle/Getty Images.

Vốn đầu tư dự kiến hơn 61 tỷ USD của Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ đưa nó trở thành một trong những dự án đắt đỏ nhất trên thế giới. Trong lịch sử, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành có vốn đầu tư lớn hơn: Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang ở Mỹ và Hệ thống cầu Honshu-Shikoku ở Nhật Bản. Ngoài ra, còn có 6 dự án đang thi công có vốn đầu tư nhiều hơn 61 tỷ USD.

  1. Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang

Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang ở Mỹ là công trình giao thông có chi phí lớn nhất lịch sử loài người, lên tới 608 tỷ USD theo điều chỉnh lạm phát, hay 114 tỷ USD theo giá trị tiền tại thời điểm hoàn thành.

Công trình này được khởi công vào năm 1956 và hoàn thành với năm 1992. Nó kết nối 48 bang của Mỹ lục địa, và cũng có các tuyến ở Hawaii, Alaska và Puerto Rico. Tổng chiều dài của hệ thống là 76.680 km.

  1. Dự án Phát triển Cao tốc Quốc gia/Bharatmala

Dự án Phát triển Cao tốc Quốc gia của Ấn Độ được khởi công từ năm 2000. Đến năm 2018, chính phủ Ấn Độ quyết định đưa dự án này trở thành một phần của dự án Bharatmala (Vòng hoa của Ấn Độ) lớn hơn.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này là 207,6 tỷ USD. Thời gian hoàn thành giai đoạn I của dự án là năm 2026.

  1. Đường sắt Cao tốc 2 (HS2)

Đây là một dự án đường sắt cao tốc của Anh. Lộ trình dự kiến từ Handsacre đến London, với một nhánh tới Birmingham. Tổng chiều dài các tuyến là 530 km.

Khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2033, HS2 có vốn đầu tư dự kiến 106,4 tỷ USD.

  1. Hệ thống cầu Honshu-Shikoku

Đây là hệ thống cầu kết nối hai đảo Honshu và Shikoku của Nhật Bản. Nó bao gồm tổng cộng 17 cầu.

Hệ thống cầu được xây dựng từ năm 1978 đến 1999, với chi phí tại thời điểm hoàn thành là 48 tỷ USD, sau điều chỉnh lạm phát là 82,6 tỷ USD.

  1. Sagarmala

Sagarmala (Vòng hoa của Biển) là dự án xây cảng biển, nâng cấp cảng biển và cải thiện logistics đường thủy chung của Ấn Độ.

Khởi công vào năm 2017, Sagarmala có vốn đầu tư ước tính 80,9 tỷ USD, chỉ tính các dự án đang xây dựng. Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn thành đại dự án vào năm 2035.

  1. Đường sắt Cao tốc California

Đây là dự án giao thông do chính quyền bang California, Mỹ phát triển. Lộ trình kết nối các thành phố lớn của bang gồm San Franscisco, Los Angeles, Anaheim, Sacramento và San Diego. Tổng chiều dài dự kiến khi hoàn thành là 1.249 km, bao gồm 795 km trong giai đoạn I.

Chi phí của dự án này ước tính là 80,3 tỷ USD. Giai đoạn I dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2033, 18 năm sau khi khởi công.

  1. Vành đai Kinh tế Trung Quốc – Pakistan

Vành đai Kinh tế Trung Quốc – Pakistan là trụ cột của sáng kiến Vành đai và Con đường của chính phủ Trung Quốc, với ngân sách lên tới 65 tỷ USD. Nó được khởi công năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Dự án này bao gồm các công trình ở thành phố ven biển Gwadar như cảng và sân bay, một mạng lưới đường bộ và đường sắt ở Pakistan nối với thành phố Kashgar của Trung Quốc.

  1. Tàu đệm từ Chuo Shinkansen

Đây là dự án tàu đệm từ đang xây dựng ở Nhật Bản, nối hai thành phố Tokyo và Nagoya, có kế hoạch kéo dài tới Osaka. Tổng chiều dài tuyến dự kiến là 438 km, với tốc độ vận hành 505 km/h.

Khởi công năm 2014, Vào tháng 5/2021, chi phí đầu tư dự kiến cho dự án này là 64,35 tỷ USD. Theo kế hoạch ban đầu, đoạn Tokyo-Nagoya sẽ khai trương vào năm 2027 và đoạn Nagoya-Osaka năm 2037. Nhưng năm ngoái, chủ đầu tư dự án đã lùi thời điểm hoàn thành.

Tham khảo:

https://24hmoney.vn/news/kinh-te-tu-nhan-cat-canh-vingroup-thaco-dang-tham-vong-gi-c2a2569109.html

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_transport_megaprojects