VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Elon Musk vừa dạy các chính phủ một bài học đắt giá

Elon Musk vừa dạy các chính phủ một bài học đắt giá

17:34 - 25/12/2024

Định giá 350 tỷ USD của SpaceX cho thấy công ty này đã bỏ xa các chiến lược vũ trụ do nhà nước dẫn dắt.

Liên minh châu Âu đã đưa “chiến lược vũ trụ” của mình vào trọng tâm các kế hoạch tái thiết nền công nghiệp châu lục. Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để đưa tàu vũ trụ lần đầu tiên lên vùng tối của Mặt trăng vào đầu năm nay, và vẫn còn tiền cho một chương trình khám phá hệ mặt trời. Chính phủ Anh cũng đổ tiền vào nghiên cứu vũ trụ.

Nhưng SpaceX của Elon Musk đã vượt lên trên tất cả khi đạt được định giá thị trường khổng lồ 350 tỷ USD vào đầu tháng này.

Bài học rút ra là: Việc chinh phục vũ trụ nên dành cho các doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn và tạo ra nhiều của cải hơn hẳn so với các chiến lược vũ trụ của nhà nước.

Bằng cách nào đó, ông Musk – một người bận rộn với các công việc gồm điều hành Tesla, xây dựng lại X (trước đây là Twitter) và chuẩn bị cắt giảm hàng trăm tỷ USD khỏi ngân sách chính phủ Mỹ với tư cách là cố vấn thân cận của tổng thống đắc cử Trump – đã tìm được thời gian để tạo ra tập đoàn vũ trụ số một thế giới.

Elon Musk sở hữu 42% SpaceX. Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images.

Elon Musk sở hữu 42% SpaceX. Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images.

SpaceX vẫn là một công ty nội bộ mà ông Musk sở hữu 42%. Nhưng trong một đợt bán cổ phiếu tuần này, công ty đạt định giá 350 tỷ USD. Nếu niêm yết cổ phiếu, SpaceX sẽ là một trong số 25 công ty lớn nhất tại Mỹ.

Theo bất kỳ thước đo nào, SpaceX là một doanh nghiệp khổng lồ. Trên thực tế, công ty đã trở thành nhà cung cấp độc quyền các chuyến bay vũ trụ của Mỹ với tên lửa Falcon. Đơn vị internet Starlink có 7.000 vệ tinh bay quanh thế giới và hơn 5 triệu thuê bao. Siêu dự án Starship mới của công ty đang trên lộ trình tạo ra thế hệ tên lửa tái sử dụng tiếp theo.

Blue Origin, do nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos sở hữu, là một đối thủ đáng gờm, nhưng không có công ty nào có thể sánh được với SpaceX.

Những thành công trên tương phản với các chiến lược vũ trụ do nhà nước dẫn dắt.

Đầu tháng này, Airbus đã thông báo cắt giảm 2.000 việc làm tại bộ phận vũ trụ và quốc phòng. Boeing – từ lâu là đối tác chính trong chương trình vũ trụ của chính phủ Mỹ – báo lỗ lớn ở bộ phận vũ trụ và quốc phòng.

Không thể phủ nhận một số thành tựu kỹ thuật xuất sắc của chương trình vũ trụ Trung Quốc. Việc đưa tàu vũ trụ Chang’e-4 lên phía xa của Mặt trăng là một thành tựu lớn. Trung Quốc có thể là nước tiếp theo đưa phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng và thậm chí có thể lập một căn cứ ở đó. Nhưng họ đang đổ nhiều tỷ USD – không ai biết chính xác là bao nhiêu – vào các dự án đó mà không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng đạt lợi nhuận thương mại.

Ở Anh, một cuộc phóng vũ trụ bởi Virgin Orbit đã lên kế hoạch vào năm ngoái cuối cùng phải hủy bỏ, và công ty sau đó đóng cửa. OneWeb – đơn vị đóng vai trò trung tâm của chương trình vũ trụ Anh – sáp nhập với Eurtelsat của Pháp. Công ty của Pháp cũng không mấy khả quan, với giá cổ phiếu giảm 20% trong năm nay.

Tất cả những điều trên chỉ ra một sự thật rõ ràng: Không có chương trình lớn nào do nhà nước lãnh đạo đạt được chỉ một phần nhỏ thành tựu của SpaceX, hoặc thậm chí Blue Origin.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã thực hiện hơn 300 chuyến bay vũ trụ thành công. Ảnh: John Rauox/AP.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã thực hiện hơn 300 chuyến bay vũ trụ thành công. Ảnh: John Rauox/AP.

Dù công ty của ông Musk có một số hợp đồng với chính phủ và chắc chắn phải hoạt động trong một môi trường quản lý chặt, nhưng nó vẫn chứng tỏ mình là một công ty thương mại lạnh lùng.

Space X đã đạt được những tiến bộ lớn trong cắt giảm chi phí, qua đó giảm đáng kể số tiền cần thiết để đưa tàu vào vũ trụ, và hứa hẹn sẽ cắt giảm hơn nữa khi tên lửa tái sử dụng ngày càng phổ biến. Họ tìm ra được cách kiếm tiền từ vũ trụ, với đơn vị Starlink cung cấp kết nối internet đáng tin cậy ở mọi nơi. Luồng doanh thu ổn định giúp họ có nhiều tiền để đổ vào các dự án tham vọng nhất.

Công ty đã phát minh lại cách khai thác vũ trụ và chắc chắn sẽ tiếp tục làm điều đó trong những năm tới, đặc biệt nếu ông Musk đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thuộc địa trên sao Hỏa.

Ngược lại, phần còn lại của thế giới đã đặt cược tất cả vào mô hình nền kinh tế vũ trụ do nhà nước lãnh đạo. Họ lãng phí hàng tỷ USD. Các dự án vượt ngân sách rất nhiều, khiến chúng có thể sẽ không bao giờ khả thi về mặt thương mại. Các bộ máy quan liêu chậm thích ứng với công nghệ thay đổi và quá thận trọng để chấp nhận rủi ro cần nếu muốn đạt được tiến bộ thực sự. Số việc làm được ưu tiên trên hiệu quả.

Nền kinh tế vũ trụ có thể là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong 50 năm tới, tạo ra nhiều cơ hội và sản phẩm mới, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra của cải. Các chính phủ trên khắp thế giới nên học bài học từ SpaceX và để khu vực tư nhân dẫn đầu, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Theo: https://www.telegraph.co.uk/business/2024/12/13/elon-musk-350bn-spacex-private-enterprise-wins/