VNReport»Công nghệ»EU chi 46 tỷ USD hỗ trợ sản xuất chip

EU chi 46 tỷ USD hỗ trợ sản xuất chip

17:33 - 24/11/2022

Nhằm thúc đẩy mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ và châu Á, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất kế hoạch hỗ trợ sản xuất chip trị giá 45 tỷ euro (46,6 tỷ USD).

EU đang tích cực triển khai kế hoạch tự chủ chiến lược trên mọi lĩnh vực và sản xuất chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch tự chủ về công nghiệp. Theo tạp chí Economist, từ năm 2013, EU đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ tăng gấp đôi tỉ lệ microchip (vi mạch) sản xuất tại châu Âu lên khoảng 20% tổng lượng chip toàn cầu. Song cho tới năm 2022, tỉ lệ này vẫn đang “giậm chân tại chỗ” với 8%, giảm mạnh so với mức 24% vào năm 2000.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng, EU đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nhu cầu chất bán dẫn và bớt lệ thuộc các nước khác ở những công nghệ thiết yếu.

EU tham vọng cuộc đua tự chủ sản xuất chip

Theo Reuters, vào ngày 23/11 vừa qua, Cộng hòa Czech – Chủ tịch luân phiên của EU cho biết các đặc phái viên EU đã nhất trí ủng hộ bản đề xuất sửa đổi về kế hoạch hỗ trợ sản xuất chip của Ủy ban châu Âu. Theo đó, EU sẽ chi 45 tỷ euro để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, tiến gần hơn tới mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ và châu Á.

Các lãnh đạo cấp cao của EU hy vọng khoản hỗ trợ sẽ giúp khối này giành được 20% thị phần sản xuất chip toàn cầu vào năm 2030. Kế hoạch này cũng cho phép nhà nước trợ cấp nhiều loại chip hơn thay vì chỉ tập trung vào những loại tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, EU sẽ đầu tư vào các loại chip mang lại sự đổi mới trong lĩnh vực máy tính, sử dụng năng lượng hiệu quả, lợi ích về môi trường và trí tuệ nhân tạo.

Tuy vậy, các nhà lập pháp EU vẫn cần thảo luận về nguồn tài chính cho kế hoạch này. Ủy ban châu Âu dự định sử dụng quỹ từ các chương trình nghiên cứu và kế hoạch khác để phục vụ mục tiêu hỗ trợ sản xuất chip. Tuy nhiên, một số quốc gia EU chỉ trích hành động này có thể mang lại lợi ích không công bằng cho các quốc gia đã có cơ sở sản xuất chip hoặc muốn thu hút các nhà sản xuất chip.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghệ thế giới.

Dự báo, cuộc đua trong ngành công nghiệp bán dẫn giữa Mỹ, châu Âu, châu Á sẽ tiếp tục nóng hơn nữa trong tương lai và sẽ còn rất nhiều thách thức lớn mà ngành công nghệ chịp toàn cầu phải vượt qua. Bởi lẽ ngành công nghiệp bán dẫn không phải chỉ gồm một chuỗi các nhà máy sản xuất lớn, hiện đại mà còn là một hệ sinh thái toàn cầu với hàng ngàn công ty liên đới với nhau. Cùng với đó, thời gian cho nghiên cứu và phát triển ở lĩnh vực công nghệ này thường sẽ mất nhiều năm với chi phí tốn kém hàng chục tỉ USD.