VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Evergrande tiếp tục bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu thứ ba

Evergrande tiếp tục bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu thứ ba

11:06 - 13/10/2021

Evergrande có thể vỡ nợ trong tháng này, sau khi lỡ hạn thanh toán trái phiếu lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng.

Tập đoàn China Evergrande lỡ đợt thanh toán lãi trái phiếu thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng. Điều này báo hiệu rằng tập đoàn bất động sản Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ vỡ nợ trong tháng này trừ khi họ nhận được khoản tiền mặt bất ngờ từ các nhà đầu tư mới hoặc bán tài sản.

Hai trái chủ cho biết vào chiều thứ Ba rằng họ chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán hoặc thông tin liên lạc nào từ Evergrande. Tập đoàn này đã đến hạn thanh toán 148,1 triệu USD tiền lãi cho 3 trái phiếu ở nước ngoài vào nửa đêm thứ Hai theo giờ New York. “Không một lời nào từ Evergrande và cũng không có dấu hiệu thanh toán”, một trái chủ cho biết. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị truy đòi pháp lý”.

Trái chủ này, nắm giữ khoảng 5 tỷ USD trái phiếu nước ngoài, đã thuê công ty luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh Evergrande đang cố gắng bán tài sản. Mặc dù 2 công ty luật đã bắt đầu liên hệ với Evergrande trước khi nhà phát triển bất động sản lỡ khoản thanh toán lãi đầu tiên vào ngày 23/9, nhưng họ nói với khách hàng vào thứ Sáu tuần trước rằng vẫn “không có liên lạc có ý nghĩa”.

Evergrande lỡ hạn tổng cộng 277 triệu USD các khoản lãi trái phiếu nước ngoài.

Tổng cộng, Evergrande đã lỡ hạn 277 triệu USD trong các khoản thanh toán lãi trái phiếu nước ngoài của mình cho đến nay. Tập đoàn có thêm 573 triệu USD đến hạn trước khi kết thúc năm. Công ty có thời gian ân hạn 30 ngày để thanh toán các khoản đã bị lỡ hạn, theo bản cáo bạch chào bán trái phiếu. Điều này có nghĩa là Evergrande có thể vỡ nợ vào tuần tới.

Evergrande, công ty có khoản nợ hơn 300 tỷ USD, thừa nhận vào cuối tháng 8 rằng họ có thể phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ nếu không thu hút được các nhà đầu tư mới hoặc bán tài sản. Cổ phiếu của Evergrande và đơn vị quản lý tài sản của họ đã bị đình chỉ giao dịch vào tuần trước để chờ kết quả của một “giao dịch lớn”.

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng nhà phát triển bất động sản Hopson Development Holding, công ty có cổ phiếu cũng đã ngừng giao dịch, chuẩn bị mua lại phần lớn cổ phần của Evergrande Property Services, có giá trị thị trường là 7,1 tỷ USD. Evergrande đang sở hữu 61% cổ phần ở đây.

Evergrande New Energy Vehicle Group, mảng kinh doanh xe ô tô điện của tập đoàn, cũng đã cạn tiền mặt. Nhưng cổ phiếu của công ty con này tăng tới 15,7% tại Hồng Kông vào thứ Ba sau khi các quan chức khẳng định công ty vẫn đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm tới.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande và việc các đối thủ nhỏ hơn lỡ hạn thanh toán trong những tuần gần đây đã làm dấy lên lo ngại về khả năng lây lan sang hệ thống tài chính trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết hôm thứ Hai rằng họ và những cơ quan khác sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra chống tham nhũng trong 2 tháng đối với các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý nợ xấu của quốc gia.

S&P Global Ratings tháng trước ước tính rằng các nhà phát triển bất động sản mà họ xếp hạng sẽ đến hạn 480 tỷ nhân dân tệ (74,46 tỷ USD) trái phiếu trong nước và nước ngoài trong năm tới, bằng gần 1/4 dự trữ tiền mặt tự do của họ. Đợt đáo hạn lớn đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 1, với khoảng 6,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài đến hạn hoàn trả theo công ty môi giới CGS-CIMB.

Nhà phát triển bất động sản Sinic Holdings có trụ sở tại Thượng Hải cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng họ dự báo không trả được tiền gốc hoặc lãi đến hạn vào ngày 18/10 cho một trái phiếu trị giá 250 triệu USD, nhiều khả năng vỡ nợ. Cùng ngày, Modern Land đã đề nghị các nhà đầu tư gia hạn thêm 3 tháng đối với trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào ngày 25/10.

Trong khi đó, Xinyuan Real Estate, dự kiến ​​90% trái chủ của mình sẽ chấp nhận đề nghị đổi lấy trái phiếu kỳ hạn 2 năm mới thay cho khoản phát hành trị giá 229 triệu USD đáo hạn vào thứ Sáu tuần này. Đầu tháng này, Fantasia Holdings, một nhà phát triển có trụ sở tại Thâm Quyến, không thể thanh toán trái phiếu trị giá 205,7 tỷ USD.