VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Evergrande có thể tồi tệ hơn Lehman Brothers đối với Trung Quốc

Evergrande có thể tồi tệ hơn Lehman Brothers đối với Trung Quốc

11:13 - 23/09/2021

Chuyên gia bán khống Jim Chanos cảnh báo cuộc khủng hoảng Evergrande có thể là dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng dựa trên xây dựng bất động sản của Trung Quốc đã đến hồi kết.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande có thể “tồi tệ hơn nhiều” đối với các nhà đầu tư ở Trung Quốc so với “tình hình kiểu Lehman”, nhà bán khống Jim Chanos nhận định. Theo ông, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của mô hình tăng trưởng dựa trên bất động sản của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

“Có rất nhiều [những công ty như] Evergrande ở Trung Quốc – Evergrande tình cờ là một trong những công ty lớn nhất”, Chanos nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn. “Nhưng tất cả các nhà phát triển [bất động sản] đều như thế. Toàn bộ thị trường bất động sản Trung Quốc đang bị thổi phồng”, người sáng lập quỹ đầu cơ Kynikos Associates có trụ sở tại New York và nổi tiếng với dự đoán về sự sụp đổ của tập đoàn năng lượng Enron cho biết.

Jim Chanos là nhà bán khống nổi tiếng với dự đoán về sự sụp đổ của Enron.

Jim Chanos là nhà bán khống nổi tiếng với dự đoán về sự sụp đổ của Enron.

Mối quan tâm về nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đã làm thị trường toàn cầu sụt giảm trong tuần này khi các nhà đầu tư lo lắng về hậu quả tiềm tàng nếu Evergrande không thanh toán khoản nợ cho một lô trái phiếu quốc tế đến hạn vào thứ Năm. Một số người nói rằng một vụ vỡ nợ như vậy có thể lan truyền ra toàn thị trường nợ doanh nghiệp châu Á.

Công ty bất động sản cho biết một khoản thanh toán trong nước đến hạn vào thứ Năm đã “đã được giải quyết” nhưng không đưa ra dấu hiệu nào về việc thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm một số nhà quản lý tài sản quốc tế lớn.

Các nhà đầu tư hầu hết đồng tình rằng sự đổ vỡ của Evergrande sẽ không làm tổn hại đến các ngân hàng và nhà đầu tư toàn cầu theo cách mà vụ phá sản của Lehman Brothers gây ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng tài chính. Bởi vì khoản nợ quốc tế của tập đoàn là tương đối nhỏ, vào khoảng 20 tỷ USD.

Nhưng tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 300 tỷ USD, phần lớn nắm giữ bởi các chủ nợ và doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục.

Chanos nằm trong số những người cảnh báo rằng tác động kinh tế nội địa từ một loạt các khoản thanh toán thất bại có thể rất nghiêm trọng.

“Theo nhiều khía cạnh, không cần phải lo lắng rằng đó là tình huống kiểu Lehman nhưng ở các khía cạnh khác, nó còn tồi tệ hơn nhiều vì là triệu chứng của toàn bộ mô hình kinh tế [của Trung Quốc] và nợ nần đằng sau mô hình kinh tế”, nhà đầu tư 63 tuổi nói.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện các bước để giải quyết tình trạng dư cung lâu năm đối với bất động sản Trung Quốc. Bắc Kinh đã soạn thảo các quy tắc mới để hạn chế đòn bẩy trong lĩnh vực này, vốn đóng góp trực tiếp và gián tiếp 29% GDP của đất nước.

“Nếu cố gắng làm xẹp bong bóng này, việc đó sẽ chứa đầy rủi ro”, Chanos nói. “Tôi không nghĩ rằng rủi ro có nguy cơ lây lan. Đây không phải là một tình huống kiểu Lehman, nơi có sự lây lan [trong và giữa các ngân hàng] và các ngân hàng ngừng cho các ngân hàng khác vay. Đây là một rủi ro lớn hơn đối với mô hình kinh tế bởi vì bất động sản nhà ở vẫn là một phần rất lớn trong GDP ở đó”.

Chanos cho biết Trung Quốc sẽ cần phải tìm ra “động lực tăng trưởng mới, hoặc chập nhận mức tăng trưởng thấp hơn”. “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cân nhắc đến những hệ lụy chưa? Điều đó vẫn còn phải xem xét”, ông nói thêm.

Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD.

Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD.

Các quỹ bán khống như Kynikos đã không còn được ưa chuộng trong thời gian tăng điểm dài của thị trường kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, chỉ bị đại dịch Covid-19 tác động trong một thời gian ngắn vào năm 2020. Tài sản do Kynikos quản lý đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD sau khi đạt đỉnh khoảng 7 tỷ USD hơn 1 thập kỷ trước.

Trung Quốc là một phần ngày càng tăng trong chiến lược của Chanos. Kynikos đã tăng gấp đôi tỷ lệ tiếp xúc với Trung Quốc trong quỹ ngắn hạn toàn cầu của mình lên hơn 10% trong năm qua, bao gồm cả việc bổ sung các vị trí bán khống với HSBC và Standard Chartered, “do khoản vay lớn của họ đối với Đại Trung Quốc”. Cả 2 ngân hàng đều được niêm yết tại London nhưng phần lớn lợi nhuận thu được từ châu Á.

Năm ngoái, Chanos đã bán khống Luckin Coffee, từng được coi là câu trả lời của Trung Quốc cho Starbucks. Công ty sau đó đã bị điều tra vì gian lận kế toán và Chanos đã đóng vị thế của mình với lợi nhuận sau khi giá cổ phiếu của chuỗi cà phê giảm mạnh.

Chanos cho biết ông cũng đang bán khống tập đoàn sòng bạc Wynn Resorts, công ty có dòng tiền phần lớn thu được từ Macau, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới. “Chúng tôi nghĩ rằng cuộc đàn áp đối với Macau mới bắt đầu”, ông nói. Tuần trước, các cổ phiếu sòng bạc đã trải qua ngày tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay khi các nhà chức trách công bố xem xét lại luật đánh bạc.