VNReport»Kinh tế»Tài chính»Fed báo hiệu khả năng tăng lãi suất nhanh hơn, giảm quy mô tài sản

Fed báo hiệu khả năng tăng lãi suất nhanh hơn, giảm quy mô tài sản

15:05 - 07/04/2022

Trong cuộc họp tháng trước, nhiều quan chức Fed ủng hộ những biện pháp mạnh tay hơn để đối phó với lạm phát. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ phản ứng tiêu cực trước thông tin này.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu rằng có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào đầu tháng tới và bắt đầu giảm danh mục tài sản trị giá 9 nghìn tỷ USD, nhằm kiềm chế đà tăng giá cả.

Biên bản cuộc họp ngày 15-16/3 của Fed, được công bố hôm thứ Tư, cho thấy nhiều quan chức tháng trước chuẩn bị tăng lãi suất thêm 0,5 điểm nhưng chọn mức tăng nhỏ hơn là 0,25 điểm vì lo ngại về hậu quả từ cuộc chiến tranh ở Ukraine của Nga.

Cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong bối cảnh Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn so với dự đoán trước đây. Lợi tức của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu) tăng lên 2,606%, mức cao nhất trong 3 năm. Chỉ số cổ phiếu Nasdaq Composite giảm 2,2%, trong khi S&P 500 giảm 1% và Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones giảm 0,4%.

Tháng trước, Fed thông qua đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm, nâng lãi suất chuẩn lên 0,25-0,5%. Họ cũng lên kế hoạch một loạt các đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để đưa lãi suất lên gần 2%, khi lạm phát đã ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

“Nhiều người tham gia lưu ý rằng một hoặc nhiều mức tăng [0,5 phần trăm] trong phạm vi mục tiêu có thể là phù hợp tại các cuộc họp trong tương lai, đặc biệt nếu áp lực lạm phát vẫn cao hoặc gia tăng”, biên bản cho biết.

Fed có thể tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm sớm nhất vào tháng tới.

Fed có thể tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm sớm nhất vào tháng tới.

Biên bản cũng lần đầu tiên tiết lộ Fed dự kiến ​​thu hẹp lượng tài sản họ đang nắm giữ nhanh hơn nhiều so với thập kỷ trước. Điều này đóng vai trò như một công cụ quan trọng khác để thắt chặt chính sách tiền tệ. Các quan chức gần như đã nhất trí về kế hoạch: sau khi tăng dần trong khoảng 3 tháng, họ sẽ cho phép tối đa 95 tỷ USD tài sản đáo hạn mỗi tháng mà không có thay thế.

Trong 3 tuần kể từ lần gặp cuối cùng, nhiều quan chức Fed chỉ ra rằng họ có thể ủng hộ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm tại cuộc họp tiếp theo. Fed chưa từng tăng lãi suất trong 2 cuộc họp chính sách liên tiếp kể từ năm 2006 và chưa từng tăng lãi suất 0,5 điểm kể từ năm 2000.

Giới đầu tư trên thị trường hợp đồng tương lai lãi suất hiện dự đoán mức tăng 0,5 điểm tại cuộc họp tiếp theo của Fed (vào ngày 3-4/5) và tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6.

Hôm thứ Ba, thống đốc Fed Lael Brainard nhấn mạnh trong một bài phát biểu về tầm quan trọng của việc giảm lạm phát cao. Dựa trên phát biểu đó, không có lý do gì Fed không tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm, theo Ellen Meade – cựu chuyên gia kinh tế ở Fed.

Chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân ở Mỹ tăng 6,4% trong tháng 2 so với một năm trước đó, theo Bộ Thương mại nước này. Giá cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 5,4%. Những con số đó là cao nhất trong khoảng 4 thập kỷ.

Một năm trước, các quan chức Fed từng mô tả lạm phát cao chỉ là nhất thời. Họ không còn giữ quan điểm đó từ cuối năm ngoái, khi thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và áp lực giá cả mở rộng sang nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, Fed từng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm vào mùa xuân khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được cải thiện. Cuộc chiến ở Ukraine và các đợt phong tỏa ở Trung Quốc để đối phó với Covid-19 đã chấm dứt mọi kỳ vọng về khả năng cải thiện chuỗi cung ứng trong ngắn hạn. “Câu chuyện đó đã đổ vỡ rồi”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngày 21/3. “Tùy mức độ nó tiếp tục đổ vỡ, tôi và các đồng nghiệp của tôi có thể đi đến kết luận rằng chúng tôi sẽ cần phải tiến hành nhanh hơn. Và nếu vậy, chúng tôi sẽ làm như thế”.

Ngân hàng trung ương này vẫn dự báo lạm phát sẽ chậm lại vào cuối năm nay khi các vấn đề về chuỗi cung ứng giảm bớt và nguồn cung quay trở lại thị trường lao động. Nhưng không giống như năm ngoái, ông Powell cho biết Fed không còn có thể dựa vào dự báo như vậy để thiết lập chính sách. “Khi chúng tôi thiết lập chính sách, chúng tôi sẽ xem xét tiến độ thực tế đối với những vấn đề này và không giả định có sự giảm nhẹ đáng kể từ phía nguồn cung trong ngắn hạn”, ông nói.

Về danh mục tài sản của Fed – còn được gọi là bảng cân đối – biên bản cho biết các quan chức đã đồng ý chuẩn bị bắt đầu thu hẹp lượng tài sản nắm giữ ngay tại cuộc họp vào tháng 5 tới.

Fed đã mua tổng cộng gần 1,5 nghìn tỷ USD nợ chính phủ vào tháng 3 và tháng 4/2020 để ngăn chặn cuộc suy thoái tài chính trên diện rộng và sau đó tiếp tục mua 120 tỷ USD chứng khoán các loại mỗi tháng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế. Ngân hàng trung ương này bắt đầu giảm lượng mua vào từ mùa thu năm ngoái và loại bỏ hoàn toàn 1 tháng trước. Kể từ đó, Fed tái đầu tư số tiền thu được từ chứng khoán đáo hạn vào những chứng khoán mới.

Tháng trước, các quan chức đồng ý giảm bảng cân đối theo cách từng làm từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2019. Theo đó, họ cho phép một lượng chứng khoán nhất định đáo hạn hàng tháng mà không tái đầu tư. Biên bản cho thấy các quan chức đã thảo luận về khả năng cho phép tối đa 60 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp đáo hạn hàng tháng. Điều đó sẽ khiến danh mục đầu tư của Fed giảm nhanh hơn đáng kể so với thập kỷ trước, khi nó thu hẹp tối đa 50 tỷ USD mỗi tháng.