VNReport»Kinh tế»Tài chính»FLC vay tín chấp hơn 600 tỷ đồng từ lãnh đạo mới

FLC vay tín chấp hơn 600 tỷ đồng từ lãnh đạo mới

12:03 - 02/08/2022

Tập đoàn này tất toán hàng loạt khoản vay, bao gồm tại Sacombank và OCB, trong khi vay mới 621 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm – thành viên HĐQT được bầu gần đây.

Cùng với hàng loạt thay đổi nhân sự ở ban lãnh đạo, Tập đoàn FLC cũng đang cấu trúc lại về tài chính, đặc biệt là các khoản vay nợ.

Tính đến cuối tháng 6, FLC tăng thêm hơn 640 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn lên 2.676 tỷ đồng. Mặt khác, tập đoàn tất toán toàn bộ khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Hà Nội với 573 tỷ đồng. Khoản vay này từng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội) – trụ sở tập đoàn – và FLC đang có ý định mua lại bất động sản này.

Ngoài ra, tập đoàn cũng đã trả dứt điểm khoản nợ ngắn hạn hơn 10 tỷ đồng tại VietinBank Leasing, gần 176 tỷ đồng vay tại BIDV chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long và 64 tỷ đồng tại Sacombank Hà Nội.

FLC vừa công bố những thay đổi lớn về cơ cấu vay nợ.

FLC vừa công bố những thay đổi lớn về cơ cấu vay nợ.

Ở chiều tăng, FLC vay ròng mới 621 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm – thành viên HĐQT mới được bầu. 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng với lãi suất 7%/năm để bổ sung, thanh toán các hợp đồng cho FLC Faros.

Ông Sâm mới được bầu vào HĐQT của FLC trong đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 7 và là người đại diện cho nhóm cổ đông mới. Ông được giới thiệu là có nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn.

FLC cũng vay mới hơn 185 tỷ đồng từ Tập đoàn Homeliday bằng hợp đồng tín chấp, lãi suất 12%/năm, để bổ sung vốn lưu động. Homeliday tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest) – thành viên của Tập đoàn BHS. 4 lãnh đạo của BHS cũng là những cổ đông lớn nhất tại Homeliday.

Một yếu tố khác làm tăng dư nợ ngắn hạn của FLC đến từ một phần lô trái phiếu FLCBOND2122003 đến hạn thanh toán gần 850 tỷ đồng trong khi toàn bộ 150 tỷ đồng của lô trái phiếu FLCBOND2122001 được thu hồi.

Trong khi đó, nợ vay tài chính dài hạn giảm mạnh xuống còn 1.380 tỷ đồng, so với mức 3.296 tỷ đồng hồi đầu năm. Lý do chủ yếu đến từ việc FLC tất toán đầy đủ dư nợ 1.240 tỷ đồng tại Sacombank chi nhánh Hà Nội và 600 tỷ đồng khác tại Sacombank trụ sở chính.

Những biến động trên làm thay đổi cơ cấu chủ nợ của FLC. Hiện, BIDV (chi nhánh Quy Nhơn và chi nhánh Quảng Bình) là đơn vị cho vay lớn nhất với tổng dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng. Sau đó là ông Lê Thái Sâm cho vay 621 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) chi nhánh Hà Nội cho vay 581 tỷ đồng. Sacombank – trước đây là một trong những chủ nợ lớn nhất – hiện đã sạch nợ vay của FLC.