VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Gần 65.000 nhà bán hàng rời sàn thương mại điện tử

Gần 65.000 nhà bán hàng rời sàn thương mại điện tử

09:39 - 09/12/2024

Gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường trong 2 năm qua. Tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam cũng đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua TMĐT, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.

Không chỉ thế, theo Báo cáo “e-Economy SEA 2024” công bố tháng 11/2024 của Google, Temasek, Bain & Company mới đây, quy mô thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được dự đoán đứng thứ 3 trong khu vực với 22 tỷ USD, sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).

Nhìn chung, TMĐT Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển rực rỡ. Song, cùng với sự mở rộng của quy mô, thị trường Việt Nam trong những tháng gần đây xuất hiện một vài sàn TMĐT xuyên biên giới. Các sàn TMĐT xuyên biên giới này xâm nhập Việt Nam và mang theo hệ sinh thái hàng hoá đa dạng và giá rẻ, cùng mạng lưới giao vận hoàn thiện, gây sức ép mạnh mẽ lên các nhà bán hàng trên sàn TMĐT nội địa của Việt Nam. Thậm chí, nhiều nhà bán hàng trên các sàn TMĐT nội địa đã rút lui khỏi cuộc chơi này vì không chịu được cạnh tranh.

Theo đó, trong 2 năm qua, đã có gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường. Tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.

Trong quý III, các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử

Theo các đơn vị nghiên cứu dữ liệu thương mại điện tử tại Việt Nam cho thấy, hiện nay, ước tính tỷ trọng hàng có địa chỉ giao từ nước ngoài hiện chiếm khoảng 12% tổng sản lượng hàng trên thương mại điện tử ở nước ta. Với hệ sinh thái hàng hoá đa dạng và giá rẻ, vận chuyển nhanh chóng, hàng nước ngoài trên sàn TMĐT dễ dàng chiếm được sự ưu ái của người tiêu dùng. Trong quý III, các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử.

Chưa kể đến, hệ thống logistics tại nước ta liên tục tăng trưởng hai con số mỗi năm. Điều này tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận hàng giao từ nước ngoài nhanh chóng, có khi bằng với thời gian giao hàng đặt ở trong nước. Thậm chí thời gian gần đây, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu đầu tư mô hình “kho livestream nội đô” tại một số đô thị lớn để giúp hàng ngoại có đường ngắn nhất đến tay người dùng Việt.

Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp ngoại đã có cách tiếp cận người tiêu dùng bài bản hơn, từ khâu sản xuất đến phân phối hàng vào nước ta qua TMĐT. Đến nay, trong 4 sàn thương mại đa ngành lớn nhất thì có hơn 95% thị phần giao dịch là thuộc về doanh nghiệp ngoại. Đồng nghĩa việc sở hữu và nắm bắt dữ liệu hành vi tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù các nhà bán hàng xuyên biên giới đang chiếm ưu thế, nhưng không có nghĩa là nguy cơ hàng Việt Nam mất thị phần hoàn toàn cho hàng ngoại. Trước sức ép to lớn từ hàng hoá nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đặt sự ưu tiên cho chất lượng hàng hoá lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chú trọng khâu giao hàng và dịch vụ, hỗ trợ xử lý thất lạc đơn hàng, giao sai đơn hàng,…

Đáng chú ý, Bộ Tài chính mới đây đã có dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng về việc bãi bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi về Việt Nam qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trước đó, chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, việc hàng ngoại giá rẻ vào thị trường trong nước dễ dàng, trong khi lại được miễn thuế đang gây cạnh tranh bất bình đẳng. Bộ Tài chính cũng nhận định chính sách này không còn phù hợp với thực tiễn.

Nhìn chung, đây là cơ hội để các sàn thương mại điện tử nhìn nhận lại mô hình kinh doanh, cải thiện dịch vụ và hỗ trợ nhà bán hàng tốt hơn. Hơn nữa, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hàng nội địa và hàng xuyên biên giới trên sàn TMĐT cũng thúc đẩy các nhà bán hàng còn lại không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tồn tại và phát triển.

https://vtv.vn/kinh-te/hang-viet-that-the-trong-cuoc-chien-gia-re-tren-thuong-mai-dien-tu-20241205104851606.htm