VNReport»Kinh tế»Tài chính»Gần 900 triệu vụ tấn công lừa đảo bị chặn đứng trong năm 2024

Gần 900 triệu vụ tấn công lừa đảo bị chặn đứng trong năm 2024

13:40 - 27/02/2025

Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đe dọa đến an toàn thông tin và tài chính của người dùng trên toàn cầu. Theo thống kê mới nhất, gần 900 triệu vụ tấn công lừa đảo đã được các hệ thống an ninh mạng chặn đứng trong năm qua.

Theo Thời báo VTV, số vụ tấn công lừa đảo mà Kaspersky ngăn chặn thành công trong năm 2024 đã tăng hơn 26% so với năm 2023 trên toàn cầu. Cũng theo báo cáo từ Kaspersky, tội phạm mạng tiếp tục lợi dụng danh tiếng của các thương hiệu lớn như Booking, Airbnb, TikTok và Telegram để đánh cắp thông tin cá nhân và cài phần mềm độc hại vào thiết bị người dùng.

Đáng chú ý, người dùng đã phải đối mặt với hơn 125 triệu cuộc tấn công qua các tệp đính kèm độc hại trong email. Trong hộp thư doanh nghiệp, cứ hai email thì có một là thư rác. Năm 2024, Kaspersky đã ngăn chặn hơn 893 triệu vụ tấn công lừa đảo, tăng 26% so với gần 710 triệu vụ trong năm 2023. Số vụ tấn công tăng mạnh trong mùa du lịch từ tháng 5 đến tháng 7, khi tội phạm mạng thường lợi dụng tâm lý du khách với vé máy bay và đặt phòng giả mạo, tour du lịch không có thật, cùng những ưu đãi “quá tốt để tin”.

Kẻ gian cũng lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng và thương hiệu để quảng bá các chương trình tặng quà giả, mà thực tế không bao giờ được trao. Đặc biệt, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025.

Trong năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý tổng cộng 12.846 cuộc tấn công mạng

Bà Olga Svistunova, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky, cho biết thủ đoạn lừa đảo không thay đổi nhiều, nhưng tin tặc ngày càng cải tiến cách che giấu hành vi. Họ tận dụng các tin tức nóng hổi và kết hợp nhiều thương hiệu trên cùng một trang lừa đảo để tăng hiệu quả. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp họ tạo ra các trang web giả mạo thuyết phục, khiến việc phát hiện lừa đảo trở nên khó khăn hơn. Những chiến thuật tinh vi này không chỉ đe dọa an ninh tài chính mà còn cả thông tin cá nhân của người dùng. Do đó, theo bà Olga, việc cảnh giác và sử dụng các giải pháp an ninh mạng mạnh mẽ trở nên càng cấp thiết hơn.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý tổng cộng 12.846 cuộc tấn công mạng, bao gồm 11.511 cuộc lừa đảo (phishing), 451 cuộc thay đổi giao diện (deface) và 884 cuộc tấn công bằng mã độc (malware), tăng 5,3% so với năm 2022. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 456.699 địa chỉ, giảm 4,7% so với năm 2022; đồng thời, đã xử lý 3.478 website lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Trong năm 2024, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn như VNDirect, PVOil, Vietnam Post và các cơ sở y tế, giáo dục… Điều này cho thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2024, số lượng sự cố tấn công mạng đã giảm đáng kể, với tổng cộng 4.483 sự cố, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số sự cố đã giảm liên tiếp trong Quý III và VI/2024, từ 349 sự cố trong tháng 8, xuống 250 sự cố vào tháng 9 và còn 204 sự cố trong tháng 10.

Mặc dù số lượng tấn công mạng đã giảm, nhưng thực tế, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam vẫn rất phức tạp. Dữ liệu từ Kaspersky chỉ ra rằng trong quý III năm 2024, 18,7% người dùng Internet tại Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến, xếp hạng Việt Nam thứ 87 trong số các quốc gia dễ bị tấn công nhất

Tại Việt Nam, 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo khảo sát, 70,72% người dùng đã nhận được lời mời đầu tư vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, nhưng lại hứa hẹn không có rủi ro và lợi nhuận cao. Trong khi đó, có đến 62,08% người cho biết họ đã nhận các cuộc gọi mạo danh từ các cơ quan như công an, tòa án, thuế, ngân hàng, nhằm ép buộc cài phần mềm hoặc đe dọa chuyển tiền để chứng minh mình vô tội liên quan đến vi phạm pháp luật. Hơn nữa, 60,01% người nhận thông báo trúng thưởng hoặc khuyến mãi với thông tin mập mờ và bất thường.

Ngoài những kịch bản lừa đảo tinh vi, các đối tượng còn sử dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video và giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân. Họ cũng sử dụng chatbot để giao tiếp liên tục và phần mềm chuyên dụng để thực hiện các cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc. Việc áp dụng công nghệ cao này khiến nhiều nạn nhân khó phân biệt giữa thông tin thật và giả, từ đó dễ bị lừa.

https://vtcnews.vn/gan-900-trieu-vu-tan-cong-lua-dao-bi-chan-dung-trong-nam-2024-ar928350.html