VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nở rộ giảm giá, khuyến mãi “ảo” dịp trước Tết

Nở rộ giảm giá, khuyến mãi “ảo” dịp trước Tết

15:21 - 21/12/2021

Trong bối cảnh sức mua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mãi ảo nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. 

Dồn dập khuyến mãi dịp cuối năm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khác với mọi năm, mặc dù gần Tết nhưng nhu cầu mua sắm tại các phố vẫn rất đìu hiu, vắng vẻ. Để kích cầu tiêu dùng, hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mãi được các nhà bán lẻ, kinh doanh từ trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm, cận Tết. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình khuyến mại có bảo hộ của cơ quan chức năng thì nhiều đơn vị, cửa hàng lại lợi dụng khuyến mại “ảo” để đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.

Rất nhiều người tiêu dùng cho biết, các đợt khuyến mại giảm giá dồn dập khiến họ cảm thấy như rơi vào “ma trận”. Thay vì chỉ các chương trình sale chỉ xuất hiện một vài thời điểm trong năm, thì giờ đây các chương trình này liên tục xuất hiện, đều đặn mỗi tháng. Chưa kể, các chương trình khuyến mãi cũng bị biến tướng vì nhiều chiêu thức giảm giá ảo, xả hàng tồn của các đơn vị kinh doanh.

Người tiêu dùng cần tỉnh tảo trước những chiêu khuyến mãi ảo

Thông qua nhiều khuyến mại hấp dẫn, các nhà bán lẻ có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí “gài bẫy” bằng các chiêu quảng cáo thổi phồng nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá hơn 50%, thậm chí giảm từ 70-80% nhưng thực chất giá sản phẩm sau khi khuyến mại không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày.

Mặt khác, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển “Sale up to 80”. Nếu không để ý, người mua sẽ thấy cửa hàng giảm giá 80% vì chữ “up to” chỉ được ghi bé xíu và phóng to chữ “Sale”, “80”. Thực tế, đây chỉ là chiêu thức dẫn dụ khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% chỉ là đồ cũ, lỗi mốt hoặc đồ cửa hàng muốn đẩy đi. Còn đồ mới thì chỉ giảm giá cho có như 5%, 10%.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mãi, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng như: Lợi dụng chương trình khuyến mãi để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; Tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.

Trong bối cảnh sức mua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giảm giá, khuyến mãi ảo càng khiến một bộ phận người tiêu dùng tỏ ra không còn “mặn mà” với các chương trình giảm giá khiến cho mục tiêu kích cầu của nhiều doanh nghiệp, trung tâm mua sắm và một số hệ thống siêu thị lớn hoàn toàn đổ vỡ.

Cần sự giám sát chặt chẽ hơn nữa

Liên quan tới vấn đề biến tướng của khuyến mãi, giảm giá, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% rồi giảm giá 30% đến 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.

PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương phải làm một cách quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra doanh nghiệp có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.

Cũng theo theo các chuyên gia, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại…

Về phía doanh nghiệp, muốn kích cầu tiêu dùng hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác tuyên truyền rộng, chi tiết và dễ nhận biết trong các đợt khuyến mãi để người tiều dùng dễ dàng tìm hiểu chi tiết. Bên cạnh đó, việc tổ chức khuyến mại cũng cần lựa chọn những đơn vị tham gia có trách nhiệm, thương hiệu và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời phải rà soát các mặt hàng, hình thức khuyến mại mà nhà nước cho phép nhằm tạo thị trường tiêu dùng lành mạnh, tạo uy tín cho doanh nghiệp và giữ chân người tiêu dùng.