VNReport»Kinh tế»Tài chính»GDP quý 3/2021 giảm sâu

GDP quý 3/2021 giảm sâu

10:22 - 29/09/2021

GDP quý 3/2021 giảm 6,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố GDP quý cho đến nay.

Mức giảm này còn tồi tệ hơn các dự báo bi quan nhất. Trong tháng này, công ty chứng khoán SSI dự báo GDP quý 3 giảm từ 0,8 đến 1%. Công ty chứng khoán VNDirect dự báo mức giảm 1,2% trong báo cáo phát hành ngày 13/9. Còn chuyên gia kinh tế của BIDV Cấn Văn Lực nhận định vào ngày 27/9 rằng nền kinh tế có thể thu hẹp 2% trong quý 3.

Trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực dịch vụ giảm mạnh nhất với tỷ lệ 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%.

Lý do khiến nền kinh tế thu hẹp là “do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh”, theo bà Nguyễn Thị Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do các hạn chế chống dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều địa phương kinh tế trọng điểm, trong đó có 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Với thành tích này, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra gần đây là từ 3,5% đến 4%.

Xét theo cơ cấu, sau 3 quý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, riêng dịch vụ giảm 0,69%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là cứu cánh của nền kinh tế trong đại dịch. Năng suất lúa tăng, chăn nuôi phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 9 tháng qua tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,3%, thủy sản tăng 0,66%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực thúc đẩy toàn nền kinh tế với mức tăng 6,05%. Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng giảm 7,17% và ngành xây dựng giảm 0,58%.

Các biện pháp kiềm chế Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến thương mại và dịch vụ. Việc một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm nay đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 0,74% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ và lưu trú ăn uống giảm rất mạnh 22,39%. Doanh thu vận tải cũng giảm 14,04%. Về du lịch lữ hành, doanh thu ngành này giảm 8,69% trong 9 tháng đầu năm, mức giảm nhẹ hơn nhờ mẫu số thấp (doanh thu du lịch đã giảm mạnh trong năm 2020).

Tuy nhiên, cũng nhờ dịch bệnh, ngành y tế và trợ giúp xã hội đạt mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 21,15%. Ngoài ra, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%.