VNReport»Kinh tế»GDP tăng tốc trong quý II, áp lực lạm phát gia tăng

GDP tăng tốc trong quý II, áp lực lạm phát gia tăng

16:08 - 29/06/2024

GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,93% trong quý II. Lạm phát bình quân trong nửa đầu năm là 4,08%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng tốc trong quý II nhờ xuất khẩu mạnh, nhưng lạm phát gia tăng tiếp tục là một thách thức với nền kinh tế.

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội ước tăng 6,93% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó, nhanh hơn mức tăng trưởng 5,87% trong quý I.

Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế tăng trưởng 6,42%. Mục tiêu tăng trưởng năm nay của Chính phủ là từ 6% đến 6,5%.

Trong một tuyên bố, Tổng cục Thống kê nhận xét: “Kinh tế – xã hội trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo”.

Xuất khẩu tăng trưởng 14,5% trong nửa đầu năm nay.

Xuất khẩu tăng trưởng 14,5% trong nửa đầu năm nay.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước lên 190 tỷ USD, trong khi sản xuất công nghiệp tăng 10,9% so với một năm trước đó.

Sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay là động lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam, sau khi không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm ngoái do nhu cầu thương mại toàn cầu suy giảm.

Tổng cục Thống kê cho rằng kinh tế thế giới nửa đầu năm nay “tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững”.

Đầu tuần này, tại một phiên thảo luận ở Trung Quốc do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các chính sách của Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, bao gồm thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất là giảm lãi suất cho vay, giảm thuế phí và thúc đẩy đầu tư công.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt gần 6% trong năm nay, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực và các chính sách hỗ trợ, nhưng cũng cảnh báo rủi ro cao về phía giảm.

IMF cho rằng nếu áp lực tỷ giá kéo dài lâu hơn, nó có thể tác động đến lạm phát trong nước, nhất là khi chính sách tiền tệ đang nới lỏng.

Áp lực lạm phát đang gia tăng, với Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng mức trần mục tiêu lạm phát của chính phủ là 4,5% trong năm. CPI bình quân trong nửa đầu năm nay tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước.

Quyết định tăng lương cơ bản cho công chức 30% và lương hưu 15% kể từ ngày 1/7 dự kiến ​​sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát.