VNReport»Kinh tế»Tài chính»Gen Z sắm đồ online thiếu kiểm soát: Chưa hết tháng đã hết lương

Gen Z sắm đồ online thiếu kiểm soát: Chưa hết tháng đã hết lương

15:11 - 05/12/2024

Lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ và bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), khác với các thế hệ trước, mua sắm trực tuyến trở thành thói quen của gen Z. Tuy nhiên, thói quen này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính cá nhân.

Theo khảo sát của YouNet Media với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam, có 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử ít nhất một lần mỗi tuần, tức cứ ba người tiêu dùng số sẽ có 2 người chốt đơn mỗi lần/tuần.

Đáng chú ý, khi phân tích nhóm người tiêu dùng theo thu nhập, nhóm nghiên cứu của YouNet ECI, nếu xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần nhiều nhất thuộc về thế hệ gen Z và Millennials (thế hệ sinh năm 1981-1995) với tỉ lệ lần lượt là 53,4% và 46,6%.

Đặc biệt, với người có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì họ mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.

Như vậy, không khó nhận ra, người tiêu dùng trẻ chi khá mạnh tay để mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, việc mua sắm trực cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nếu không được kiểm soát, điển hình là “chi nhiều hơn thu”.

Kết hợp với sự bùng nổ của thanh toán trực tuyến, ngày nay, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại thẻ tín dụng để “mua trước trả sau” khi mua sắm online. Song, việc kiểm soát chi tiêu khi sử dụng phương thức này không dễ dàng. Nhiều người tiêu dùng trẻ phải đối mặt với tình trạng “hết lương khi chưa hết tháng” do mua sắm thiếu kiểm soát, chi tiêu nhiều hơn thu nhập và lạm dụng thẻ tín dụng quá mức gây ra nợ thẻ tín dụng.

Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng cần có

Trong bối cảnh kinh tế phát triển mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền như hiện nay, kiểm soát chi tiêu hay quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng cần học và luyện tập. Để quản lý tài chính cá nhân, có thể áp dụng một vài phương pháp sau:

Phân chia tiền theo quy tắc 6 quỹ

Đây là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân được nhiều người áp dụng.

Hiểu đơn giản là bạn sẽ sử dụng phương pháp này phân chia thu nhập thành 6 quỹ riên biệt theo tỷ lệ, phục vụ cho những mục đích cụ thể.

Bao gồm:

– Quỹ học tập phát triển bản thân: 10%

– Quỹ tự do tài chính: 10%

– Quỹ tiết kiệm dài hạn: 10%

– Quỹ tiêu dùng thường xuyên: 55%

– Quỹ tự thưởng cho bản thân: 10%

– Quỹ cho đi: 5%

Phân chia thu nhập như này giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về tài chính, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, phù hợp với thu nhập, nhu cầu và đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.

Lập kế hoạch quản lý tài chính

Hãy cố gắng lập kế hoạch quản lý tài chính càng sớm càng tốt để kiểm soát tài chính của bản thân, tốt nhất là có kế hoạch ngay sau khi có thu nhập.

Đầu tiên, hãy thống kế toàn bộ thu nhập của mình để biết mình có bao nhiêu tiền và liệt kê các khoản cần chi.

Tiếp đó, tính toán số tiền cho các nhu cầu cần thiết, buộc phải có. Trích một phần thu nhập cho các nhu cầu khác. Cố gắng dành một phần để tiết kiệm, tích luỹ.

Thực tế, kiềm chế mua sắm là một việc không dễ, đặc biệt đối với người trẻ. Tuy nhiên, việc mua sắm online thiếu kiểm soát là một sự lãng phí. Nếu biết tiết kiệm khi còn trẻ và dùng số tiền này để đầu tư, trong tương lai, bạn sẽ nhận được lãi kép. Đồng thời, trước khi xuống tiền mua sắm, hãy xác định xem mình có thực sự cần nó không, suy nghĩ kỹ để không tuỳ tiện chi tiền. Một mẹo nhỏ cho các tín đồ mua sắm là nếu đợi được, hãy cho hàng vào giỏ, sau đó có thể đợi vài hôm xem mình có thực sự cần không, nếu không thể đợi được, lúc đó mới quyết định mua.

Nhìn chung, bằng việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng, rèn luyện thói quen tiết kiệm và đầu tư, không chỉ gen Z mà bất kỳ ai cũng có thể vượt qua được “cơn nghiện” mua sắm.

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gen-z-sam-do-online-thieu-kiem-soat-chua-het-thang-da-het-luong-20241013120843338.htm