VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá bán lẻ điện bậc cao nhất tăng lên 3.015 đồng/kWh

Giá bán lẻ điện bậc cao nhất tăng lên 3.015 đồng/kWh

17:44 - 04/05/2023

EVN công bố khung giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sau khi tăng giá bán điện bình quân 3% từ ngày 4/5.

Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định tăng giá bán điện bình quân 3%, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Khung giá bán lẻ điện sinh hoạt mới dựa trên mức giá bình quân này vừa được công bố.

Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cả 6 bậc đều tăng tương ứng. Cụ thể, bậc 1 (từ 0-50 kWh) giá 1.728 đồng/kWh. Bậc 2 (51-100 kWh) giá 1.786 đồng/kWh. Bậc 3 (101-200 kWh) giá 2.074 đồng/kWh. Bậc 4 (201-300 kWh) giá 2.612 đồng/kWh. Bậc 5 (301-400 kWh) giá 2.919 đồng/kWh. Bậc 6 (401 kWh trở lên) giá 3.105 đồng/kWh.

Theo EVN, cả nước đang có khoảng 28 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt. Trong đó có 3,33 triệu hộ sử dụng đến bậc 1 (chiếm 11,98%). 4,7 triệu hộ (tương đương 16,85%) dùng đến bậc 2. Số khách hàng dùng điện sinh hoạt đến bậc 3 đông đảo nhất, chiếm 36,01%, tương đương 10,04 triệu hộ.

Ngoài ra, có 4,96 triệu hộ sử dụng điện đến bậc 4 (chiếm 17,81%), 2,21 triệu hộ (tương đương 7,95%) sử dụng đến bậc 5 và 2,62 triệu hộ sử dụng đến bậc 6 (chiếm 9,4%).

Theo khung giá điện mới, một hộ dân tiêu thụ 50 kWh điện mỗi tháng sẽ phải trả thêm 2.500 đồng, nếu tiêu thụ 100 kWh điện phải trả thêm 5.100 đồng. Tiền điện tăng thêm của một khách hàng tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng, 300 kWh/tháng là 18.700 đồng, 400 kWh/tháng là 27.200 đồng.

Lần tăng giá điện này được EVN thực hiện dưới sự cho phép của Bộ Công Thương, theo nội dung công văn số 304/BCT-ĐTĐL được Thứ trưởng Đặng Hoàng An kỳ vào ngày 27/4, cho phép EVN tăng giá bán lẻ điện tối đa 3% từ sau kỳ nghỉ lễ.

Đây là lần tăng giá điện đầu tiên kể từ tháng 3/2019.

Đầu tháng 4, EVN công bố giá thành sản xuất điện trung bình năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh. Con số này tăng 9,27% so với năm 2021 do giá những nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí đốt tăng cao, theo ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc EVN.

Điều này khiến tập đoàn lỗ 26.236 tỷ đồng trong năm ngoái – mức lỗ sâu nhất trong lịch sử. EVN dự kiến lỗ thêm 64.941 tỷ đồng trong năm nay nếu không tăng giá điện.

Theo các chuyên gia, mặc dù cần phải tăng giá điện để đảm bảo tình hình tài chính của EVN, nhưng mức tăng và thời điểm tăng là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Ngoài lạm phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện gặp khó khăn vì đơn hàng giảm mạnh, nên giá điện tăng sẽ gây thêm áp lực chi phí cho họ.

Theo Bộ Tài chính, mức tăng giá điện sẽ có ảnh hưởng lớn đến lạm phát năm nay. Bộ ước tính với kịch bản giá điện tăng 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 sẽ tăng 3,9%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân tăng 4,4%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.

Trong công văn gửi EVN, Bộ yêu cầu tập đoàn chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình hình tài chính hiện nay, quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, trong đó có ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, đàm phán với nhà đầu tư, nhà cung cấp trên nguyên tắc lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ. Xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể để tạo sự đồng thuận của người dân trong việc điều chỉnh giá, nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm điện, phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.

Hồi tháng 2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định về giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh. Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là cơ sở để Bộ Công Thương quyết định mức tăng giá cụ thể trong năm nay.