VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá cà phê cao nhất 7 năm do khủng hoảng nguồn cung ở Việt Nam, Brazil

Giá cà phê cao nhất 7 năm do khủng hoảng nguồn cung ở Việt Nam, Brazil

10:31 - 15/11/2021

Thời tiết xấu, vận chuyển khó khăn và chi phí phân bón tăng cao ở các nước sản xuất lớn như Brazil và Việt Nam khiến giá cà phê arabica và robusta tăng vọt.

Nguồn cung khó khăn từ Brazil đến Việt Nam do thời tiết xấu, vận chuyển khó khăn và chi phí phân bón tăng cao khiến giá cà phê lên mức cao nhất trong 7 năm.

Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 4,8% lên 2,235 USD/pound tại New York, mức cao nhất đối với một hợp đồng có lượng giao dịch lớn kể từ tháng 10/2014. Giá tăng gần gấp đôi trong năm qua, nâng cao dự báo chi phí cho các chuỗi cà phê như Starbucks vốn ưu tiên loại hạt này.

Giá cà phê arabica tăng gần gấp đôi và robusta tăng 63% trong 1 năm trở lại đây.

Giá cà phê arabica tăng gần gấp đôi và robusta tăng 63% trong 1 năm trở lại đây.

Đợt tăng trong tuần vừa qua diễn ra trong bối cảnh kho dự trữ giảm và đồng tiền Brazil mạnh hơn làm suy giảm động lực bán hàng theo định giá USD. Ngoài ra, dự báo ban đầu cho vụ mùa năm 2022 của nước này cho thấy sản lượng sẽ kém hơn chu kỳ năng suất cao gần nhất của Brazil vào năm 2020-21. Điều đó hạn chế việc xây dựng lại các kho dự trữ cần thiết để chống lại sự sụt giảm thường thấy trong sản lượng của vụ thu hoạch sau.

“Thị trường cà phê toàn cầu vẫn thâm hụt và bất cứ khi nào giá giảm, chúng tôi thấy toàn ngành mua vào trước khi [thị trường] thắt chặt hơn nữa”, Kona Haque, nghiên cứu trưởng tại nhà kinh doanh hàng hóa ED&F Man ở London, cho biết.

Dựa trên các tín hiệu kỹ thuật trên biểu đồ, Hernando de la Roche, phó chủ tịch cấp cao của StoneX Financial Inc. tại Miami, dự báo nếu giá phá vỡ ngưỡng 2,25 USD, arabica có thể tăng lên mức 3 USD.

Sản lượng năm 2021 của Brazil sụt giảm sau khi hạn hán và sương giá làm hư hại cây trồng, và mưa sẽ vẫn là yếu tố quan trọng đối với khả năng phục hồi trong năm 2022. Nhà cung cấp arabica xếp thứ 2 là Colombia đang phải vật lộn với những trận mưa quá lớn, làm giảm sản lượng và tăng nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng. 2 nước này chiếm gần 3/4 sản lượng arabica thế giới.

Giá phân bón tăng cao gây thêm tai họa cho nông dân trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt và việc thiếu tàu container cản trở xuất khẩu. Điều đó khiến việc vận chuyển hàng triệu bao cà phê ra khỏi Brazil bị đình trệ. Việt Nam, nhà cung cấp robusta hàng đầu, cũng chứng kiến ​​giá cước vận tải tăng cao hơn nữa.

Điều đó thúc đẩy người mua tìm kiếm những lựa chọn thay thế và Châu Phi đã bù đắp phần nào sự thiếu hụt. Trong khi đó, chi phí phân bón đang tăng ở Brazil trong bối cảnh xuất khẩu toàn cầu bị hạn chế và nhu cầu mạnh mẽ. Các quốc gia nơi đồng tiền giảm giá so với đồng USD đang cảm thấy ảnh hưởng nhiều hơn, như Costa Rica.

Christian Wolthers, chủ tịch của Wolthers Douque, một nhà nhập khẩu ở Florida, có gia đình kinh doanh cà phê Brazil trong nhiều thập kỷ, cho biết giá có thể sẽ tiếp tục ở mức cao do chi phí vận chuyển tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, rang xay và bán lẻ.

Tại London, cà phê robusta tăng 63% trong 12 tháng qua. Loại cà phê này được sử dụng phổ biến cho những sản phẩm cà phê hòa tan như Nescafe của Nestle.