VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá dầu cao nhất hơn hai tháng

Giá dầu cao nhất hơn hai tháng

14:09 - 31/05/2022

Giá dầu vượt 120 USD/thùng khi Trung Quốc nới lỏng phong tỏa. Lệnh cấm dầu nhập khẩu từ Nga qua đường biển của EU cũng gây áp lực tăng.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, do Trung Quốc nới lỏng phong tỏa liên quan đến Covid-19. Nỗ lực đàm phàn của liên minh châu Âu để đạt được thỏa thuận cấm vận phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga cũng thêm vào động lực tăng giá.

Triển vọng kép về nhu cầu dầu tăng ở châu Á và nguồn cung từ Nga bị hạn chế đã đẩy giá dầu thô chuẩn Brent tăng 1,9% lên 121,67 USD/thùng vào cuối thứ Hai, và lên 123,80 USD/thùng vào đầu phiên thứ Ba. Đó là mức cao nhất của giá dầu kể từ đầu tháng 3. Sau đó, mức tiêu thụ nhiên liệu giảm ở Trung Quốc kéo giá dầu thô giảm xuống từ mức cao nhất năm 2022 là khoảng 139 USD/thùng.

Paul Horsnell – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Standard Chartered – cho biết việc đóng cửa do Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Ông cho biết thêm rằng với phong tỏa nới lỏng, phần lớn trong số đó nhiều khả năng quay trở lại, nâng mức tiêu thụ của Trung Quốc lên gần 16 triệu thùng/ngày. Thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày.

Giá dầu Brent lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Nguồn: TradingView.

Giá dầu Brent lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Nguồn: TradingView.

Sự gia tăng này khiến giá dầu Brent trên đà tăng hơn 11% trong tháng 5. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất trong một tháng kể từ tháng 1. Dầu chuẩn WTI của Mỹ đóng cửa giao dịch vào thứ Hai vì nghỉ lễ.

Sự phục hồi của giá dầu có nguy cơ làm tăng lạm phát trên toàn cầu, duy trì áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương. Giá xăng và dầu diesel đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục ở Mỹ trong những tuần gần đây. Số liệu lạm phát được công bố ở châu Âu hôm thứ Hai cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Đức nhanh nhất kể từ năm 1973 trong tháng này – một phần do giá năng lượng tăng 38% theo năm.

Sự trở lại của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu dầu vào thời điểm nguồn cung đang cạn kiệt trên toàn cầu. Cuối tuần qua, Phó Thị trưởng Thượng Hải Wu Qing cho biết nhà chức trách sẽ nới lỏng những điều kiện để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại trong tuần này. Chính quyền thành phố cũng đặt ra một kế hoạch 50 điểm nhằm đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế. Các biện pháp bao gồm cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và trợ cấp mua xe điện.

Lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga tiếp tục gây căng thẳng cho nguồn cung toàn cầu. Ngay cả với điều khoản miễn trừ dầu nhập khẩu qua đường ống, lệnh cấm của EU sẽ giáng một đòn mạnh vào khả năng kiếm tiền từ dầu của Nga. Theo Bruegel – một tổ chức tư vấn – năm 2020, khoảng 3/4 trong số 2,8 triệu thùng dầu thô mà Nga xuất khẩu sang châu Âu mỗi ngày được giao bằng tàu biển.

Đức – nước nhập khẩu dầu của Nga thông qua nhánh phía bắc của đường ống Druzhba – đã cam kết thay thế lượng hàng đó bằng các nguồn cung cấp khác. Như vậy, chỉ có Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia nhập khẩu 250.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga thông qua nhánh phía nam của đường ống, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Kristine Petrosyan – một nhà phân tích của IEA – cho biết Nga sẽ khó chuyển hướng tất cả lượng dầu từng chảy sang châu Âu sang những người mua ở châu Á. “Tôi không nghĩ rằng họ có thể phân bổ lại mọi thứ”, bà nói và cho biết thêm rằng hành trình từ các cảng biển Baltic của Nga đến Trung Quốc mất khoảng 60 ngày, lâu hơn nhiều so với hành trình đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu.