VNReport»Kinh tế»Giá dầu thô lên cao nhất 7 tháng do lo ngại nguồn cung

Giá dầu thô lên cao nhất 7 tháng do lo ngại nguồn cung

08:20 - 04/09/2023

Các nước xuất khẩu lớn gồm Ả Rập Xê Út và Nga được cho là sẽ giảm sản lượng, trong khi kỳ vọng nhu cầu phục hồi tăng lên ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch ngày 1/9, giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn nửa năm và chấm dứt chuỗi giảm giá 2 tuần, nhờ kỳ vọng nguồn cung thắt chặt.

Ả Rập Xê Út được cho là ​​sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10, kéo dài hạn chế nguồn cung nhằm hỗ trợ giá do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, thiết kế.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Năm rằng nước này – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới – đã đồng ý với các đối tác OPEC+ về việc giảm xuất khẩu dầu trong tháng sau.

Dầu thô Brent tăng giá lên cao nhất kể từ ngày 27/1.

Dầu thô Brent tăng giá lên cao nhất kể từ ngày 27/1.

Dầu thô Brent tăng 1,66 USD, tương đương 1,9%, lên mức 88,49 USD/thùng. Giá đạt mức cao nhất trong phiên là 88,75 USD/thùng, đỉnh từ ngày 27/1 đến nay.

Dầu thô WTI của Mỹ đã tăng 1,39 USD, khoảng 1,7%, lên 85,02 USD/thùng. Nó từng đạt 85,81 USD/thùng trong phiên, cao nhất kể từ ngày 16/11/2022.

Dầu Brent tăng khoảng 4,8% trong tuần này, mức tăng cao nhất trong một tuần kể từ cuối tháng 7. WTI tăng 7,2% trong tuần, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

“Người ta nhận ra rằng nền kinh tế sẽ không tụt dốc không phanh và có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang ở gần mức cao kỷ lục”, theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group. “Mọi người phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng nguồn cung đang ở dưới mức trung bình”.

Theo các cuộc khảo sát do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thực hiện, nhu cầu tiêu thụ dầu ở nước này rất mạnh, với tồn kho dầu thô thương mại giảm 5 trong 6 tuần gần đây nhất. Một báo cáo về việc làm ở Mỹ ngày 1/9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng và tốc độ tăng lương giảm, củng cố kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.

Trong khi đó, kỳ vọng phục hồi nhu cầu ở những nơi khác đang tăng lên. Mức độ thu hẹp hoạt động sản xuất tại khu vực đồng euro giảm vào tháng trước, cho thấy thời kỳ tồi tệ nhất có thể đã qua đối với các nhà máy châu Âu. Trong khi đó, sự phục hồi bất ngờ ở Trung Quốc mang lại hy vọng cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, theo một số cuộc khảo sát tư nhân.

Cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều phụ thuộc vào nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc – để thúc đẩy nhu cầu dầu trong thời gian còn lại của năm 2023, nhưng sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế nước này khiến giới đầu tư lo ngại.

Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết thời gian còn lại của năm nay hứa hẹn sẽ gây ra tình trạng thiếu cung, một phần do mức tiêu thụ toàn cầu khá tốt và một phần do Ả Rập Xê Út quyết tâm tạo ra một sàn giá cao. “Trừ khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tự tin vào năm tới, tâm lý sẽ trở nên tồi tệ rõ rệt”, ông nói.