VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá dầu thô vượt 110 USD một thùng

Giá dầu thô vượt 110 USD một thùng

11:49 - 02/03/2022

Giá dầu thô tăng 16% kể từ khi bắt đầu chiến tranh giữa Nga và Ukraine, lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Sáng thứ Tư, giá dầu thô vượt 110 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi giới đầu tư lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt mạnh tay đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Trong lệnh trừng phạt mới nhất, Mỹ cấm các chuyến bay của Nga sử dụng không phận của Mỹ, sau các động thái tương tự của Liên minh châu Âu và Canada, tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong thông điệp liên bang sáng hôm nay (giờ Việt Nam).

Những lệnh trừng phạt chống lại Nga khiến một loạt các công ty lớn thông báo ngừng hoạt động hoặc rút lui khỏi nước này. Exxon Mobil cho biết rằng họ sẽ rút lui khỏi các hoạt động ở Nga, bao gồm các mỏ sản xuất dầu ở vùng Viễn Đông, sau những quyết định tương tự của những tập đoàn dầu khí khổng lồ khác bao gồm BP và Shell của Anh, và Equinor của Na Uy.

Giá dầu thô Brent kể từ năm 2014 đến nay. Nguồn: TradingView.

Giá dầu thô Brent kể từ năm 2014 đến nay. Nguồn: TradingView.

Thông báo của Exxon được đưa ra trong bối cảnh giá dầu tiếp tục leo thang. Vào sáng thứ Tư, giá dầu thô Brent – tiêu chuẩn toàn cầu – vượt qua mức 110 USD/thùng, tăng hơn 5,8% lên 111,09 USD/thùng, mức cao nhất từ đầu tháng 7/2014. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, giá dầu Brent đã tăng 16%.

Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ cũng tăng gần 6% lên 109,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013.

Đà tăng giá cho thấy thị trường không thỏa mãn với thỏa thuận xả 60 triệu thùng dầu thô dự trữ của các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhằm kiềm chế giá.

IEA và giới đầu tư đang dự báo nguồn cung bị bóp chặt khi các lệnh trừng phạt làm gián đoạn những lô hàng năng lượng, sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Nga. Mặc dù các lệnh trừng phạt của phương Tây hiện tại không bao gồm những giao dịch năng lượng, việc loại bổ một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã gây đau đầu cho khách hàng nước ngoài mua dầu và khí đốt của Nga.

“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn dư địa để giá dầu tiếp tục tăng cao”, Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại UBP ở Hong Kong, cho biết. “Phần lớn điều đó phụ thuộc vào các yếu tố chính trị và đảm bảo rằng một phần nguồn cung từ Nga sẽ được bù đắp [không chỉ] bằng dầu từ đá phiến của Mỹ mà còn từ Iran”.

Trong khi đó, giá lúa mì tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ lên 10 USD/bushel ở thị trường Chicago. Nga và Ukraine sản xuất khoảng 1/4 sản lượng lúa mì toàn cầu, đe dọa làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Các loại kim loại mà Nga sản xuất nhiều cũng tăng giá. Palladium, được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác trên ô tô, tăng 3,85%.