VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá lương thực thế giới lập kỷ lục mới

Giá lương thực thế giới lập kỷ lục mới

21:42 - 09/04/2022

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) trong tháng 3 tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và 12,6% so với tháng 2.

Giá lương thực toàn cầu đạt mức cao mới, tăng với tốc độ theo tháng nhanh nhất trong 14 năm sau khi cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc và dầu thực vật. Điều này nhiều khả năng gây tác hại lớn nhất đối với các nước nghèo trên thế giới.

Chỉ số giá lương thực tháng 3 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tăng lên mức cao kỷ lục tháng thứ 3 liên tiếp. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng tới 34%, sau khi chiến tranh hạn chế nguồn cung từ Ukraine và Nga. Chỉ số này cao hơn 12,6% so với tháng 2, một mức tăng mà tổ chức này mô tả là “bước nhảy vọt khổng lồ”.

Nhiều quốc gia nghèo đang phải vật lộn với tác động của Covid-19, và một số nước ở Trung Đông và Bắc Phi phụ thuộc vào cả Ukraine và Nga cho nguồn cung ngũ cốc và dầu thực vật. Lạm phát lương thực góp phần thúc đẩy biểu tình ở một số nước, bao gồm Sri Lanka, nơi vấn đề này đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng.

“Xung đột đang diễn ra ở Ukraine làm gia tăng lo ngại về tác động đối với an ninh lương thực trên toàn thế giới”, theo Beth Bechdol, phó tổng giám đốc FAO. “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự tăng giá lương thực trên diện rộng”. Theo ước tính của FAO và chính phủ Ukraine, 20-30% diện tích đất sản xuất ngũ cốc, ngô và hướng dương ở Ukraine sẽ không được trồng trong mùa xuân này hoặc không được thu hoạch vào tháng 7 và tháng 8.

Theo FAO, khoảng cách toàn cầu giữa cung và cầu đối với lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể làm tăng giá lương thực quốc tế thêm 8 đến 22% so với mức giá vốn đã cao hiện nay.

Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương quan trọng, chiếm khoảng 30% thương mại lúa mì toàn cầu. Nga vẫn tiếp tục bán lúa mì kể từ khi xâm lược nước láng giềng vào tháng 2, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến việc thanh toán trở nên phức tạp, dẫn đến nguồn cung không chắc chắn.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng giá lương thực cao có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho các nước thu nhập thấp và trung bình, và có thể góp phần đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo. Chi phí lương thực chiếm 17% chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng tỷ lệ này cao hơn nhiều ở những nước đang phát triển. Ví dụ, ở vùng châu Phi hạ Sahara, lương thực chiếm 40% chi tiêu của người tiêu dùng.

Lạm phát giá lương thực bắt đầu từ trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, sau vụ thu hoạch kém vào năm ngoái do thời tiết xấu và sự phục hồi mạnh của nhu cầu sau đại dịch. Nhưng theo FAO, gần 50 nước phụ thuộc vào Nga và Ukraine cho ít nhất 30% lượng lúa mì nhập khẩu của họ. Vào năm 2021, 36 trong số 55 quốc gia có khủng hoảng lương thực phụ thuộc vào xuất khẩu của Ukraine và Nga, chiếm hơn 10% tổng lượng nhập khẩu lúa mì của họ, bao gồm 21 quốc gia có khủng hoảng lương thực lớn.

FAO cho biết rằng nếu tình trạng thiếu lương thực vẫn tiếp diễn, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng 8 triệu lên 13 triệu người, trong đó mức tăng rõ rệt nhất sẽ xảy ra ở châu Á – Thái Bình Dương, tiếp theo là châu Phi hạ Sahara, vùng Cận Đông và Bắc Phi.

Mức tăng nhanh nhất trong chỉ số tháng 3 thuộc về giá dầu thực vật, tăng 56% so với một năm trước lên mức cao kỷ lục. FAO cho biết: “Mức báo giá dầu hạt hướng dương quốc tế tăng đáng kể trong tháng 3, bị thúc đẩy bởi nguồn cung xuất khẩu giảm trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở khu vực Biển Đen”.

Giá ngũ cốc tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng đang ở mức cao kỷ lục.