VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá lương thực toàn cầu tăng vọt khi lạm phát lan rộng

Giá lương thực toàn cầu tăng vọt khi lạm phát lan rộng

11:47 - 06/11/2021

Từ Peru đến Philippines, mùa màng thất bát và tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến các gia đình nghèo đói ăn.

Đầu năm nay, Celia Matos, một bà mẹ từ khu ổ chuột Paraisópolis của São Paulo, Brazil, có đủ tiền mua những thứ cơ bản để nuôi gia đình. Nhưng giờ đây, với giá thịt và các loại thực phẩm khác tăng 30%, cô thường đi ngủ với cái bụng đói để có đủ cơm và đậu cho 4 đứa con của mình.

“Thật nhục nhã”, Matos, 41 tuổi nói. “Đôi khi tôi chỉ muốn khóc… Tôi mua gas để nấu ăn và sau đó không đủ tiền mua thức ăn, hoặc nếu tôi mua thức ăn thì tôi không có tiền để mua xà phòng”. Cô nói rằng thậm chí còn không đủ tiền mua những túi xương còn sót lại của cửa hàng thịt.

Celia Matos phụ thuộc vào thực phẩm do bạn bè và một trung tâm cộng đồng phân phát.

Giá lương thực tăng đang gây ra khó khăn ngày càng lớn trên khắp các nước đang phát triển, từ Peru đến Philippines. Vào tháng 10, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết, giá lương thực thế giới đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011. Các chính phủ quốc gia và nhóm viện trợ cảnh báo rằng sự gia tăng giá lương thực đang dẫn đến tình trạng đói và suy dinh dưỡng nhiều hơn, đặc biệt là đối với những gia đình nghèo phải vật lộn với thảm họa kinh tế khác từ đại dịch Covid-19.

Sự gia tăng đặc biệt mạnh mẽ ở châu Mỹ Latinh, nơi lạm phát lan rộng đã đẩy giá của hầu hết hàng hóa lên cao và Liên Hợp Quốc ước tính rằng hàng chục triệu người bị suy dinh dưỡng hoặc phải bỏ bữa.

Ở châu Á, nơi có mức lạm phát thấp hơn, thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến mùa màng, dẫn đến việc tăng giá ở một số nơi. Mưa lớn ở Ấn Độ trong những tháng gần đây gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy mùa màng và đẩy giá các loại rau như súp lơ và hành tây lên cao. “Chúng tôi chống chịu bằng cách chỉ ăn cơm, đôi khi là bánh mì với đường. Có lựa chọn nào khác không?”, Shanti Horo, một đầu bếp 41 tuổi và bà mẹ đơn thân đến từ New Delhi, cho biết.

Tại Trung Quốc, mưa lớn cũng ập đến các tỉnh trồng rau hàng đầu, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung phát sinh khi quốc gia này phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch. Philippines và một số nước Đông Nam Á khác cũng đối mặt với giá rau và dầu cọ cao hơn.

Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách cảnh báo ở Mỹ Latinh, thiệt hại do giá lương thực tăng có thể sâu hơn và lâu dài hơn. Các ngân hàng trung ương của khu vực đã tích cực tăng lãi suất trong nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Brazil và Chile đều vừa công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 2 thập kỷ. Điều đó sẽ gây khó khăn hơn nữa ở một khu vực chịu suy thoái kinh tế sâu sắc nhất thế giới do đại dịch cũng như tỷ lệ tử vong với Covid-19 bình quân đầu người cao nhất, theo số liệu từ Our World in Data.

Khu ổ chuột Paraisópolis ở São Paulo.

Khu ổ chuột Paraisópolis ở São Paulo.

William Jackson, trưởng nhóm kinh tế về các thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết: “Lạm phát là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ Latinh, nơi nó tăng mạnh hơn nhiều so với các khu vực khác”. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng thấp trong vài năm trước đại dịch, Brazil và những nước khác trong khu vực hiện phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ – sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và giá cả cao hơn, ông nói.

Lạm phát đang vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong toàn khu vực, cao hơn 3 lần mục tiêu trong trường hợp của Brazil. Trận hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua của đất nước cũng ảnh hưởng đến mùa màng và làm khô cạn những hồ chứa cung cấp năng lượng cho các đập thủy điện, gây thêm áp lực lên giá điện. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng khiến lạm phát ở Mexico, Colombia, Peru và Chile cao hơn. Tại Brazil, thịt bò và trứng đắt hơn 20% so với năm ngoái, trong khi giá thịt gà và cà chua đã tăng gần 30%, theo nghiên cứu của Quỹ Getulio Vargas.

Julieta Irureta, y tá 27 tuổi đến từ Buenos Aires, cho biết cô không còn đủ khả năng để cung cấp cho cậu con trai 4 tuổi của mình chế độ ăn uống cân bằng cần thiết. Cô nói: “Chúng tôi đã dành gần 2 năm để mạo hiểm cuộc sống của mình trên tuyến đầu, và bây giờ, với mức lương của chúng tôi, việc ăn uống càng ngày càng khó hơn”.

Trước đây, khách hàng thường mua lòng mề gà để cho vật nuôi ăn. Bây giờ, họ mua những món như vậy để nuôi gia đình của mình.

Miguelina Espindola, một người giúp việc 60 tuổi, cho biết bà gặp khó khi tìm việc làm kể từ khi chủ nhà qua đời với Covid-19. Ngay cả khi tìm được việc, giờ đây, phần lớn tiền lương của bà đổ vào thực phẩm đến mức bà không thể mua được loại thuốc điều trị tiểu đường cần thiết. “Cuối cùng thì tôi vẫn thua cuộc, như mọi khi”.

Người dân chờ bữa ăn từ thiện ở một khu ở chuột ở São Paulo.

Người dân chờ bữa ăn từ thiện ở một khu ở chuột ở São Paulo.

Tại khu ổ chuột ở vùng ngoại ô phía tây nam của São Paulo, cô Matos xếp hàng nhiều giờ mỗi ngày tại một trung tâm cộng đồng địa phương điều hành bởi G10 Favelas – tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các bữa ăn miễn phí cho cộng đồng khu ổ chuột của Brazil.

Vài tuần trước, trung tâm phải bắt đầu đóng cửa trước giờ ăn trưa sau khi nổ ra tình trạng đánh nhau khi hết nguồn cung cấp. Trung tâm này phụ thuộc vào sự đóng góp từ các siêu thị và những người giàu có, nhưng khi tỷ lệ tử vong Covid-19 ở Brazil giảm, các khoản tài trợ này bắt đầu cạn kiệt. “Mọi người dường như không hiểu”, Gilson Rodrigues, giám đốc của G10 Favelas cho biết. “Tình hình bây giờ thậm chí còn tồi tệ hơn đối với người nghèo so với giữa đại dịch”.