VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá phân bón tăng vọt, nông dân gặp khó

Giá phân bón tăng vọt, nông dân gặp khó

11:30 - 09/08/2021

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng 60-80%. Với chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá nông sản giảm, người nông dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục sản xuất.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và thế giới liên tục tăng dần qua từng tháng.

Cụ thể, với giá phân bón sản xuất trong nước, urê Phú Mỹ tăng 83,7% (từ 6.750 đồng/kg lên 12.400 đồng/kg), urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg), DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đ/kg lên 14.300 đ/kg), NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).

Với phân nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg), DAP 64% nhập từ Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg), kali miếng Israel tăng 72,9% (từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).

Cục Bảo vệ thực vật dự báo giá phân bón khó hạ nhiệt trong năm nay.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo giá phân bón khó hạ nhiệt trong năm nay.

“Tỉ lệ tăng giá của phân bón nhập khẩu cao hơn so với phân bón sản xuất trong nước”, Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Theo cơ quan này, trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đều tăng mạnh. Cụ thể, giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), axit sunfuric tăng 232%, amoniac tăng 220%, quặng apatit tăng 7,7%.

Ngoài ra, giá dầu tăng và khan hiếm container rỗng khiến giá cước vận tải tăng gấp 3-5 lần. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào, dầu mỏ và chi phí vận chuyển tăng cao có thể là nguyên nhân chính khiến giá phân bón liên tục tăng trong thời gian qua.

Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo, trong tháng 8, giá phân bón tiếp tục tăng nóng, thậm chí có thể khó hạ nhiệt trong năm nay.

Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vấn đề lưu thông vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đang được tháo gỡ nhưng giá phân bón tăng rất cao, có nơi lên tới 83% so với tháng 1/2021.

“Phân bón sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi. Giá vật tư có thật sự là chi phí sản xuất cao không? Ngành công thương cần có giải pháp gì?”, ông Nam đặt câu hỏi.

“Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá? Giờ là lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải cùng nhau suy nghĩ vì lợi ích cho bà con nông dân. Chúng ta nói ủng hộ người nông dân nhưng giá cả tăng ào ào thì nông dân sao chịu nổi”, ông Nam nói, bổ sung thêm rằng giá thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng cao.

Ông Dương Quốc Nam – phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, trong khi giá nông sản có xu hướng giảm. Nếu không giải quyết được thì người dân khó sản xuất.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – khuyến nghị, ngành công thương và nông nghiệp cần có những giải pháp cụ thể để giảm giá thành vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh đầu vào nông nghiệp ngày càng tăng, giá nông sản giảm, nông dân đang đắn đo có nên tiếp tục sản xuất hay không.

“Đây là việc rất nguy hiểm tới an ninh lương thực quốc gia và phát triển của địa phương, đất nước. Đề nghị Bộ Công thương có giải pháp để hạ giá phân bón. Các doanh nghiệp xem xét ra một thông điệp như Tập đoàn Lộc Trời, cam kết không tăng giá và cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp… cho người nông dân”, ông Hoan nói.