VNReport»Kinh tế»Tài chính»Giá sản xuất ở Mỹ tăng nhanh nhất trong lịch sử

Giá sản xuất ở Mỹ tăng nhanh nhất trong lịch sử

17:10 - 15/12/2021

Giá sản xuất tăng kỷ lục là một dấu hiệu nữa cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đang rất cao. Điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed trong cuộc họp tuần này.

Giá đầu vào mà các nhà cung cấp đưa ra cho doanh nghiệp ở Mỹ tăng kỷ lục trong tháng 11, báo hiệu rằng áp lực giá trên diện rộng vẫn đang gia tăng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bộ Lao động cho biết hôm thứ Ba rằng chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9,6% trong tháng 11 so với một năm trước đó, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2010. Còn PPI cơ bản, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 7,7% so với năm trước, cũng là mức kỷ lục.

Chuỗi cung ứng đang tắc nghẽn khi chạy đua với nhu cầu tiêu dùng cao bất thường.

Chuỗi cung ứng đang tắc nghẽn khi chạy đua với nhu cầu tiêu dùng cao bất thường.

Dữ liệu giá sản xuất cao hơn dự kiến ​​cho thấy lạm phát tiêu dùng sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 khi áp lực giá cả duy trì. Tốc độ lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đạt mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ là 6,8% vào tháng trước

Chỉ số PPI, phản ánh tổng quát điều kiện nguồn cung trong nền kinh tế, tăng 0,8% so với tháng 10, cao hơn mức tăng 0,6% trong 3 tháng trước đó. Giá năng lượng, thực phẩm bán buôn, vận tải và kho bãi cao hơn góp phần làm tăng lạm phát.

“Đây là một bằng chứng cho thấy lạm phát tiếp tục mở rộng”, theo Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont.

Giá cao liên tục chủ yếu phản ánh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, khi các nhà sản xuất cố gắng chạy đua với nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ bất thường. Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao hơn giá dịch vụ do chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa vẫn tăng trong khi chi tiêu cho dịch vụ chỉ tăng nhẹ so với mức trước đại dịch.

Giá hàng hóa, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 0,8% trong tháng 11 so với tháng 10, nhanh hơn mức tăng 0,6% của tháng trước. Chỉ số dịch vụ tăng 0,7% trong tháng, cao hơn mức 0,2% trong tháng 10.

Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng của PNC, cho rằng việc mặc dù vẫn ở mức cao, tỷ lệ lạm phát cho hàng hóa dùng để làm ra các sản phẩm khác báo hiệu rằng lạm phát giá sản xuất đang gần đạt đến đỉnh. “Lạm phát PPI sẽ chậm lại vào năm 2022 khi giá năng lượng và nguyên liệu thô khác giảm do sản lượng lớn hơn, nhu cầu yếu hơn và các vấn đề về chuỗi cung ứng dần suy yếu”, ông cho biết. “Nhưng lạm phát PPI sẽ vẫn ở trên mức dài hạn do nhu cầu tiếp tục tăng mạnh đối với một số hàng hóa, dịch vụ và mức lương cao hơn”.

Cùng với dữ liệu lạm phát tiêu dùng tuần trước, dữ liệu sản xuất mới này bổ sung vào danh sách các lý do để Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc các kế hoạch cắt giảm những gói kích thích của mình, khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed họp trong tuần này. Tốc độ cắt giảm nhanh hơn sẽ mở đường cho việc tăng lãi suất vào mùa xuân để kiềm chế lạm phát.