VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá thành sản xuất cao, giá điện có thể tăng lên hơn 2.000 đồng/kWh?

Giá thành sản xuất cao, giá điện có thể tăng lên hơn 2.000 đồng/kWh?

10:39 - 03/04/2023

Theo EVN, giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021, lên 2.032,26 đồng/kWh, khiến tập đoàn lỗ kỷ lục hơn 26 nghìn tỷ đồng.

Giá điện có thể sắp tăng mạnh khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ lớn trong năm 2022 do giá thành sản xuất tăng cao.

Theo đó, trong năm ngoái, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN là 493.265 tỷ đồng, tương ứng giá thành sản xuất điện 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Dựa trên số liệu này, Bộ Công Thương và EVN sẽ xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2023.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện hành áp dụng từ tháng 3/2019 đến nay là 1.864,44 đồng/kWh, dẫn đến việc EVN lỗ trung bình 167,82 đồng mỗi kWh điện bán ra trong năm 2022. Bộ Công Thương cho biết tập đoàn này lỗ 36.294 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Loại trừ thu nhập từ các hoạt động liên qua, EVN lỗ 26.236 tỷ đồng trong năm 2022 – mức lỗ đậm nhất trong lịch sử.

Lần tăng giá bán điện gần đây nhất là vào tháng 3/2019, với giá bán lẻ bình quân tăng 8,36%, từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Lần tăng giá đó dựa trên giá thành sản xuất điện năm 2017.

Năm 2017, chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN ghi nhận gần 291.300 tỷ đồng, tương ứng giá thành sản xuất kinh doanh điện ở mức 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Năm 2017, EVN báo lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.

Với kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, nhiều khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên 2.000 đồng/kWh, thậm chí cao hơn để đảm bảo tình hình tài chính của EVN.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) – mức tăng cụ thể còn phải đảm bảo các mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Các mục tiêu này bao gồm lạm phát, mà điện là một mặt hàng có ảnh hưởng lớn.

Trong 15 năm qua, giá điện đã tăng 2,2 lần từ mức trung bình 842 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Trong đó, giá điện được điều chỉnh mạnh nhất vào năm 2011 với tỷ lệ tăng khoảng 17,4%.

Do giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% nên theo Quyết định 24/2017, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương sau khi EVN báo cáo.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh của EVN, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc EVN – cho biết, năm 2022, tập đoàn lỗ chủ yếu do chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao, trong khi giá điện không được điều chỉnh trong 4 năm qua. “Trên thế giới, giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần. Điều này là nguyên nhân lớn khiến chi phí đầu vào tăng cao”, ông nói.

Việc tăng giá điện trong năm nay sẽ là một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả, theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính.

Bộ đưa ra 3 kịch bản dự báo lạm phát năm nay với mức tăng 3,9-4,8% so với năm 2022. Các kịch bản đều dựa trên tính toán, dự báo về áp lực tăng giá xăng dầu, gas, lương thực thực phẩm (gạo, thịt lợn), điện, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà cho thuê.

Với kịch bản giá điện tăng 5%, cơ quan tài chính tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay có thể tăng 3,9%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân tăng 4,4%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.

Trong quý I/2023, CPI bình quân tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu lạm phát trong năm nay do Chính phủ đặt ra là dưới 4,5%.

Theo các chuyên gia, tình hình tài chính hiện nay của EVN đòi hỏi phải tăng giá điện. Tuy nhiên, mức tăng và thời điểm tăng là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Ngoài lạm phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện gặp khó khăn vì đơn hàng giảm mạnh, nên giá điện tăng sẽ gây thêm áp lực chi phí cho họ.